Quốc gia Đông Nam Á đề xuất kế hoạch hòa bình ở Ukraine, Kiev phản bác
Kế hoạch hòa bình được đề xuất bao gồm một lệnh ngừng bắn và thiết lập khu phi quân sự do Liên Hợp Quốc giám sát.
Indonesia đưa ra kế hoạch hòa bình cho xung đột ở Ukraine nhưng bị Kiev bác bỏ. Ảnh minh họa: AP
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã trình bày một kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Kế hoạch nhiều điểm của Indonesia bao gồm một lệnh ngừng bắn và thiết lập khu vực phi quân sự, trong đó, cả Nga và Ukraine phải rút quân cách vị trí tiền phương tương ứng 15km.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh rằng khu vực phi quân sự cần được lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc giám sát. Ngoài ra, ông Subianto còn đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc chủ trì tại vùng lãnh thổ tranh chấp để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số cư dân vùng đó. Ông Subianto không nói cụ thể tên vùng tranh chấp.
Ukraine đã bác bỏ đề xuất hòa bình của Indonesia, cho rằng đề xuất này chỉ phục vụ lợi ích của Nga.
Mikhail Podoliak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, viết trên Twitter ngày 3/6 rằng lộ trình mà Indonesia đề xuất "giống như một dạng khác của kế hoạch hòa bình mà Moscow đưa ra".
Ông Podoliak nhắc lại quan điểm của Kiev rằng "chỉ có một đề xuất thực tế" là Nga "rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine".
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng nhấn mạnh quan điểm của ông Podoliak, cho rằng Moscow nên rút quân khỏi Ukraine. "Không có kịch bản thay thế nào khác trong trường hợp này", ông Nikolenko viết trên Facebook. "Ngừng bắn mà không rút quân sẽ giúp Moscow có thời gian củng cố, tập hợp quân để tiếp tục tấn công".
Đến nay, Nga vẫn chưa bình luận về đề xuất của Indonesia. Trước đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh, để đạt được hòa bình lâu dài, Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và công nhận "thực tế mới" ở các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga năm 2014 và 2022. Hôm 2/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với truyền thông rằng "không có cơ sở" cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa vào lúc này vì Kiev và phương Tây "không để tâm tới các mục tiêu và mối quan tâm của đất nước chúng tôi".
Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đưa ra một kế hoạch hòa bình giữa Nga và Ukraine, gồm 12 điểm. Kế hoạch này nhận được những phản ứng trái chiều từ Ukraine và phương Tây. Một cố vấn của Tổng thống Ukraine khi đó bình luận rằng kế hoạch hòa bình này là "phi thực tế". Trong khi đó, ông Zelensky cho biết Ukraine "sẽ làm việc với Trung Quốc" nếu nước này thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ đề xuất hòa bình của Trung Quốc vì theo ông, đề xuất này chỉ mang lại lợi thế cho Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine, mà có thể có lợi cho Nga, sẽ không dẫn đến hòa bình lâu dài, báo RT của Nga đưa tin.