Quốc gia đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Những người tham gia thử nghiệm là 150 nhân viên y tế tại Israel đã tiêm liều thứ 3 của vaccine Pfizer-BioNTech ít nhất 4 tháng trước.

Israel tiến hành thử nghiệm tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4. 

Ngày 27/12 (giờ địa phương), một bệnh viện tại Israel đã bắt đầu nghiên cứu để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả liều thứ 4 của vaccine ngừa COVID-19, khi các quan chức y tế tiếp tục cân nhắc việc triển khai mũi thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương trên toàn quốc.

Các quan chức tại Trung tâm Y tế Sheba, gần Tel Aviv, Israel nói rằng nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên thuộc lĩnh vực trên thế giới. Những người tham gia thử nghiệm là 150 nhân viên y tế đã tiêm liều thứ 3 của vaccine Pfizer-BioNTech ít nhất 4 tháng trước.

Giáo sư Jacob Lavee tiêm liều vaccine Pfizer-BioNTech thứ 4, tại Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, Israel, ngày 27/12.

Giáo sư Jacob Lavee tiêm liều vaccine Pfizer-BioNTech thứ 4, tại Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, Israel, ngày 27/12.

Các động thái ở Israel, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đang được theo dõi chặt chẽ khi các chính phủ trên toàn thế giới phải vật lộn với cách đối phó với biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

Biến thể Omicron đang gây ra số lượng ca nhiễm COVID-19 mới kỷ lục ở các khu vực của Mỹ, Châu Âu và những nơi khác. Ngay cả khi một số nghiên cứu cho thấy rằng nhiễm biến thể Omicron nhẹ hơn so với nhiễm các biến thể khác nhưng sự gia tăng này đã gây áp lực cho hệ thống y tế và các chuyên gia cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến nhiều ca tử vong hơn.

Với các nghiên cứu cho thấy vaccine vẫn bảo vệ mọi người khỏi bị bệnh nặng do Omicron, một nhóm chuyên gia y tế tư vấn cho chính phủ Israel vào tuần trước đã khuyến nghị các quan chức y tế tiêm mũi thứ 4 cho những người từ 60 tuổi trở lên, người có khả năng miễn dịch kém và các nhân viên y tế. 

Một nhân viên tại Trung tâm Y tế Sheba nhận tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4, ở Ramat Gan, Israel, ngày 27/12.

Một nhân viên tại Trung tâm Y tế Sheba nhận tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4, ở Ramat Gan, Israel, ngày 27/12.

Đề xuất này đang chờ bộ Y tế Israel phê duyệt chính thức nhưng các câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu đề xuất này có quá sớm do thiếu dữ liệu về tác dụng của mũi tiêm thứ 4 hay không. Không rõ liệu bộ Y tế có chờ kết quả nghiên cứu của bệnh viện để đưa ra khuyến nghị hay không.

Ban cố vấn thừa nhận sự không chắc chắn về tác dụng của liều vaccine thứ 4 với Omicron, nhưng chỉ ra bằng chứng về việc giảm khả năng miễn dịch ở những người đầu tiên được tiêm liều thứ 3 vào tháng 8. Dữ liệu của Israel cho thấy tỷ lệ lây nhiễm từ biến thể Delta tăng gấp đôi, sau đó chiếm ưu thế ở nhóm tuổi từ 60 trở lên trong vòng 4hoặc 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3.

Israel, một quốc gia tương đối nhỏ với hệ thống y tế công hiệu quả, là nước đi đầu trong việc triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và sau đó là tiêm các mũi nhắc lại. Việc này giúp Israel có thể đánh giá sớm mức độ hiệu quả của các mũi tiêm và hiệu quả bảo vệ nhanh chóng. 

Hầu hết ban cố vấn lập luận rằng lợi ích tiềm năng của liều thứ 4 lớn hơn bất kỳ rủi ro nào và không có thời gian để đưa ra quyết định bảo vệ những người dễ mắc bệnh nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng chưa biết đủ về tác dụng của mũi tiêm thứ tư và một số nhà khoa học lo ngại rằng quá nhiều mũi tiêm có thể gây ra sự mệt mỏi cho hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại virú của cơ thể, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Tuần trước, một quan chức cấp cao của bộ Y tế cho biết bộ sẽ thu thập thêm dữ liệu từ các quốc gia khác, đặc biệt là về nguy cơ mắc bệnh nặng do Omicron ở những người lớn tuổi, trước khi quyết định có nên cung cấp liều thứ 4 hay không và tiêm cho đối tượng nào

Ngày 27/12, một quan chức khác của bộ Y tế nói rằng quyết định có thể được đưa ra trong vài ngày tới. 

Cùng ngày, bộ Y tế Israel đã chính thức chấp nhận một khuyến nghị khác của ban cố vấn, rút ​​ngắn khoảng thời gian giữa việc tiêm mũi thứ 3 sau liều thứ 2 từ 5 tháng xuống còn 3 tháng.

Bộ cho biết trong một tuyên bố: “Hiện nay, trước làn sóng Omicron, nhu cầu tăng cường mức độ miễn dịch trong cộng đồng dân cư nói chung càng nhanh càng tốt”, đồng thời lưu ý rằng các quốc gia khác ở châu Âu cũng đã làm như vậy.

Hầu hết dân số Israel đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine ngừa COVID-19 nhưng có khoảng 1 triệu công dân đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường thứ 3. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vắc xin ADN đầu tiên trên thế giới sắp được đưa vào sử dụng

Theo truyền thông Ấn Độ, loại vắc xin ADN này sẽ giảm đáng kể các tác dụng phụ nhờ được tiêm theo cách đặc biệt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Thảo (Theo New York Times) - Ảnh, Video: AP  ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN