Quốc gia châu Phi gặp khó trong nỗ lực thoát cảnh nợ nần Trung Quốc
Trong 6 năm qua, một quốc gia châu Phi đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và nguồn tiền cho vay từ Trung Quốc nhưng các nỗ lực vẫn cần thời gian.
Tổng thống Angola Joao Lourenco bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2018.
Kể từ khi trở thành Tổng thống Angola vào năm 2017, ông Joao Lourenco đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, theo tờ SCMP.
Để làm điều đó, Tổng thống Angola chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ và châu Âu thay vì Trung Quốc, trái ngược với người tiền nhiệm Jose Eduardo dos Santos.
Ông Santos chủ trương dựa vào nguồn vốn vay của Trung Quốc để tái thiết nền kinh tế sau khi cuộc nội chiến 26 năm kết thúc vào năm 2002.
Nhưng giới quan sát nhận định, vẫn phải mất hàng thập kỷ để quốc gia Trung Phi có thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - thị trường chính tiêu thụ dầu thô, các sản phẩm hóa dầu của Angola.
“Đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và nợ Trung Quốc là điều không dễ dàng và phải mất nhiều thập kỷ để đạt được, nhưng chính phủ Angola đang đi đúng hướng”, Gerrit van Rooyen, nhà kinh tế tại trung tâm Oxford Economics Africa ở Nam Phi, nhận định.
Gần đây, Mỹ đã tài trợ 900 triệu USD để Angola xây dựng nhà máy điện sử dụng năng lượng Mặt trời và tài trợ 250 triệu USD cho Hành lang Đường sắt Đại Tây Dương Lobito – tuyến đường sắt có điểm đầu từ cảng Lobito của Angola và điểm cuối là khu vực biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo.
Nhưng Angola vẫn là quốc gia hàng đầu ở châu Phi về mặt vay nợ Trung Quốc. Nước này đã vay của Trung Quốc 42,8 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng số tiền Trung Quốc cho các nước châu Phi vay trong giai đoạn từ năm 2000 - 2020.
Angola vẫn đang cần nguồn tiền vay từ Trung Quốc để chi cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà máy thủy điện Caculo-Cabaca có công suất 2.172 megawatt. Nhà máy do nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng ở tỉnh Cuanza Norte, miền bắc Angola.
Dự án do Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) giải ngân. Nhà máy lọc dầu Lobito của Angola cũng do đối tác Trung Quốc xây dựng.
Tình hình càng khó khăn hơn với Angola giai đoạn sau năm 2020, khi giá dầu có lúc rơi xuống mức dưới 30 USD/thùng vì đại dịch Covid-19. Dầu mỏ chiếm 90% nguồn thu của Angola, khiến quốc gia này chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu.
Để hỗ trợ Angola, các tổ chức cho vay của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), đã đóng băng một số khoản thanh toán nợ trong 3 năm, với các ưu đãi sẽ hết hạn vào quý 2 năm nay.
Dầu mỏ chiếm 90% nguồn thu của Angola.
Đổi lại, Angola đã đồng ý với Trung Quốc về thỏa thuận thanh toán linh hoạt đựa trên giá dầu, nếu giá dầu tăng hơn 60 USD/thùng.
Năm ngoái, giá dầu có lúc tăng lênh 130 USD/thùng giúp Angola thúc đẩy việc thanh toán nợ. Khoản nợ của nước này với Trung Quốc giảm 1,5 tỷ USD trong quý 1/2023, xuống mức thấp nhất trong 7 năm, còn 19,5 tỷ USD.
Năm ngoái, Van Rooyen, Bộ trưởng Tài chính Angola, nói chính phủ sẽ đẩy nhanh việc trả nợ khi giá dầu vẫn ở mức cao. “Đây là một bước đi thận trọng, giúp chính phủ linh hoạt hơn trong chi tiêu khi giá dầu đã bình thường hóa", ông Rooyen nói.
Giá dầu sau đó giảm xuống khoảng 70 USD/thùng, kết hợp với sản lượng dầu thế giới giảm, khiến Angola giảm mạnh nguồn thu từ dầu mỏ. Đây là lý do khiến Angola gặp khó trong việc đẩy nhanh trả nợ nước ngoài, bao gồm các khoản nợ Trung Quốc.
Mark Bohlund, nhà phân tích nghiên cứu tín dụng cấp cao tại REDD Intelligence, nói Angola đẩy nhanh trả nợ cho Trung Quốc thực chất để nới giới hạn tín dụng, từ đó có thể tiếp tục vay Trung Quốc để thúc đẩy các dự án đang triển khai, bao gồm nhà máy thủy điện Caculo Cabaca.
Một khi Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) giải ngân vốn cho dự án thủy điện Caculo Cabaca, khoản nợ của Angola với Trung Quốc sẽ tăng trở lại.
Các chuyên gia dự đoán khoản nợ của Angola với Trung Quốc sẽ tăng vượt mức 20 tỷ USD trong nửa cuối năm 2023. Tính đến cuối năm ngoái, Angola nợ Trung Quốc 18 tỷ USD, chiếm 40% tổng nợ nước ngoài.
Aly-Khan Satchu, một nhà phân tích địa kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara, nói điều tốt là chính phủ Angola đã thắt chặt chi tiêu hơn.
“Chính quyền hiện tại đã rất nỗ lực trong việc cân bằng thu chi và trả nợ, đặt nền kinh tế dựa trên một nền tảng vững chắc hơn. Tôi hi vọng chương trình cải cách sẽ tiếp tục đạt được bước tiến", ông Satchu nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã xóa khoản nợ lên tới 20 tỉ USD cho các quốc gia châu Phi.