Quốc gia châu Âu ghi nhận 18.000 ca nhiễm Covid-19 sau 3 tuần, trở thành Italia thứ hai?
Với hơn 18.000 ca nhiễm Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ đang vượt qua các nước khác trong nhóm G20 dù phát hiện ca nhiễm đầu tiên muộn hơn.
Theo Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số quốc gia châu Âu cuối cùng ghi nhận người nhiễm Covid-19 đầu tiên. Sau 3 tuần, số ca nhiễm ở nước này đã tăng vọt lên tới 18.135 và 356 ca tử vong, tính đến tối ngày 2.4.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nằm trong top 10 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới, vượt qua Bỉ và Hà Lan. Thổ Nhĩ Kỳ đang là một trong những quốc gia có tốc độ lây nhiễm virus nhanh nhất thế giới và hoàn toàn có thể trở thành điểm nóng của đại dịch.
Nhiều chuyên gia đặt ra khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể nối tiếp con đường của Italia – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19 ở châu Âu. Hôm 22.3, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và kể từ đó, số ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh.
“Thổ Nhĩ Kỳ có tốc độ lây nhiễm cao đến mức đáng báo động”, Caghan Kizil, phó giáo sư khoa học thần kinh và di truyền học tại Hiệp hội trung tâm nghiên cứu Helmholtz ở Đức, nhận định.
“Đây là kết quả của việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt các biện pháp cách ly xã hội. Hãy nhìn Trung Quốc, họ rất thành công trong việc chống dịch vì tích cực phát hiện người nhiễm mới và phong tỏa Vũ Hán. Số ca nhiễm từ đó giảm mạnh”, ông Kizil nói.
Nhân viên y tế khử trùng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Esin Senol, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gazi ở Ankara, nói: “Dịch bệnh dường như đã lây nhiễm từ lâu trước khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, có thể là do làn sóng người hành hương”.
Chỉ giới hạn xét nghiệm với những người gần đây từ nước ngoài trở về, Thổ Nhĩ kỳ đã để virus lây lan trong cộng đồng, Senol nói.
Tối 2.4, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca thông báo Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 79 ca tử vong mới trong ngày. Con số này thấp hơn ở Italia hay Tây Ban Nha, nhưng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay.
Trả lời họp báo, ông Koca nói 60% số ca nhiễm được ghi nhận ở Istanbul, trung tâm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ - thành phố chiếm tới 1/5 dân số của cả nước.
Mehmet Ceyhan, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo rằng số ca nhiễm có thể vượt xa các nước khác.
"Với tốc độ hiện tại, số ca nhiễm có thể lên tới 300.000 trong 10 ngày," ông nói.
Đóng cửa các địa điểm công cộng, hạn chế di chuyển giữa các thành phố và yêu cầu mọi người ở nhà là các biện pháp cấp bách cần được áp dụng triệt để., ông Ceyhan nói.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã quá chủ quan với các biện pháp kiểm dịch ban đầu như đóng cửa các đường bay đến cùng có dịch, cách ly người trên 65 tuổi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nước này cũng có năng lực xét nghiệm hạn chế. Mức cao nhất trong ngày mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể xét nghiệm hiện chỉ là 10.000. Ngược lại, Italia đang xét nghiệm tới 500.000 người chỉ trong một ngày.
Các nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc đến tình trạng thiếu thiết bị và vật tư y tế để đối phó với một lượng lớn người bệnh.
Các bệnh viện ở Istanbul vẫn không hề sẵn sàng dù virus đã xuất hiện trên thế giới được hơn 2 tháng, nguồn tin cho biết. Do không có sự chuẩn bị, có tới 100 nhân viên y tế ở Istanbul dương tính với Covid-19.
“Đó thực sự là điều đáng lo ngại”, Kizil nói. “Liệu chúng ta có trở nên giống như Italia hay không phụ thuộc vào việc hệ thống y tế của chúng ta đối phó ra sao”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện vẫn bác bỏ ý tưởng phong tỏa toàn quốc. Ông kêu gọi các cửa hàng tiếp tục mở cửa, duy trì nền kinh tế.
Tuy vậy, ông Erdogan để ngỏ các biện pháp siết chặt nếu dịch bệnh không ngừng lây lan. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định mở rộng khả năng xét nghiệm tới 30.000 người/ngày trong vòng 10 ngày tới.
Chuyên gia Kizil nói điều quan trọng là phải nâng cao ý thức cộng đồng, từ những việc cơ bản như rửa tay thường xuyên và người dân tự cách ly xã hội.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2.4 thông báo rằng chính quyền sẽ sớm ban hành hướng dẫn trên toàn quốc về khuyến cáo đeo...