Quốc gia châu Á tham vọng vượt Trung Quốc về xuất khẩu vũ khí
Trong bối cảnh xung đột Ukraine và căng thẳng trong khu vực, những người trong cuộc kỳ vọng việc buôn bán vũ khí của quốc gia này sẽ tiếp tục phát triển.
Hàn Quốc đặt mục tiêu nằm trong top 4 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, vượt mặt Trung Quốc. Ảnh: AP
Doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc trong năm nay (17 tỷ USD) đã tăng hơn gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập vào năm ngoái (7,5 tỷ USD), SCMP ngày 22/11 đưa tin.
Động lực thúc đẩy đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng trong doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc là nhu cầu mua vũ khí của Ba Lan - nước láng giềng của Ukraine. Warsaw đã thực hiện giao dịch vũ khí trị giá hơn 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.
"Hàn Quốc có thể nắm bắt cơ hội vì Ba Lan có nhu cầu cấp thiết mua vũ khí liên quan tới xung đột Ukraine. Có 2 lý do chính giúp Hàn Quốc có lợi thế. Thứ nhất là có ít nước có thể sản xuất vũ khí trong thời gian ngắn. Thứ hai là một số nước châu Âu, có khả năng sản xuất vũ khí trong thời gian ngắn, nhưng lại dành ưu tiên cho quân đội nước nhà thay vì xuất khẩu", Kim Mi-jung, nhà nghiên cứu công nghiệp quốc phòng tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho biết.
"Vũ khí của Hàn Quốc đáng đồng tiền bát gạo nếu xét về hiệu suất và Seoul cũng có các cơ sở có thể sản xuất nhiều loại vũ khí từ pháo tự hành đến chiến đấu cơ. Tất cả đều khiến Hàn Quốc trở thành một nhà buôn vũ khí tiềm năng", ông Kim nói thêm.
Trước khi ký hợp đồng trị giá 3,55 tỷ USD với công ty Hanwha Aerospace để mua các hệ thống pháo phản lực Chunmoo K239, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã ca ngợi các hệ thống pháo này rất giống với các hệ thống HIMARS của Mỹ mà Ba Lan đặt hàng trước đó.
Ngay cả khi chi tiêu quốc phòng của Ba Lan vào năm 2022 đã đạt mức cao kỷ lục 58 tỷ Zloty (12,7 tỷ USD), Warsaw vẫn có kế hoạch tăng thêm chi tiêu quân sự. Ba Lan thông báo hồi tháng 8 rằng sẽ phân bổ khoảng 3% GDP của cả nước (21 tỷ USD) cho quốc phòng trong năm 2023.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), sự gia tăng chi tiêu quân sự của Ba Lan phản ánh xu hướng toàn cầu. Số liệu của SIPRI cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2021 lần đầu tiên vượt mốc 2 nghìn tỷ USD. Đây cũng là mốc đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp chi tiêu quân sự toàn cầu tăng.
Kim Mi-jung, nhà nghiên cứu công nghiệp quốc phòng tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho biết, tổng doanh số bán vũ khí cuối cùng của Hàn Quốc trong năm 2022 có thể cao hơn con số hiện tại khi Seoul còn có thể ký kết hợp đồng với Malaysia và Ả Rập Saudi trong tháng 12.
"Dường như doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc sẽ có xu hướng tăng trong 3-4 năm tới khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nhu cầu về vũ khí ngày càng tăng ở châu Âu", ông Kim nhận định.
Theo SCMP, mở rộng xuất khẩu vũ khí là một trong 110 chính sách quan trọng của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Theo SIPRI, bốn nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu trong giai đoạn 2017-2021 là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc với thị phần toàn cầu tương ứng là 39%, 19%, 11% và 4,6%. Hàn Quốc xếp thứ 8 với thị phần 2,8%. Tổng thống Hàn Quốc đặt tham vọng muốn nước này vượt mặt Trung Quốc, nằm trong top 4.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng sự cạnh tranh giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí khó xảy ra, do thị trường mục tiêu của 2 nước về cơ bản là khác nhau.
"Các nước mà Trung Quốc nhắm tới để xuất khẩu vũ khí khác với Hàn Quốc", ông Kim giải thích. "Trung Quốc bán vũ khí cho các nước mong muốn hợp tác kinh tế với Bắc Kinh như Pakistan hay một số nước ở châu Phi. Ngoài ra, một điểm khác của vũ khí Trung Quốc so với Hàn Quốc là giá rẻ".
Ông Kim cũng lưu ý, sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ khí trong những năm tới sẽ tăng lên khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết. Hàn Quốc sẽ phải cạnh tranh với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác về xuất khẩu vũ khí.
Nhiều mẫu máy bay không người lái (UAV), tàu ngầm không người lái (UUV) và thuyền không người lái (USV) được ra mắt trong triển lãm hàng không Chu Hải năm nay cho thấy định hướng...
Nguồn: [Link nguồn]