Quốc gia châu Á có thế dập Covid-19 bằng miễn dịch cộng đồng
Miễn dịch cộng đồng là chiến lược đối phó Covid-19 gây tranh cãi của một số quốc gia châu Âu vì có thể khiến số ca nhiễm và tử vong vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng lại có thể là giải pháp với quốc gia như Ấn Độ, các chuyên gia cho biết.
Theo SCMP, để hình thành miễn dịch cộng đồng trong điều kiện chưa có vaccine, một số lượng lớn dân cư trong cộng đồng phải bị nhiễm Covid-19 và sau đó hồi phục, hình thành hàng rào vô hình ngăn virus. Cách này giúp giảm tổn thất kinh tế, giúp người dân có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Nhiều chuyên gia cho rằng không quốc gia nào có thể áp dụng chiến lược này tốt hơn Ấn Độ - quốc gia có số dân lên tới 1,3 tỉ người.
“Không một quốc gia nào có thể kéo dài thời gian phong tỏa, ít nhất là với quy mô dân số như ở Ấn Độ”, nhà dịch tễ học nổi tiếng người Ấn Độ, Jayaprakash Muliyil, nói. “Điều cần thiết là đạt được miễn dịch cộng đồng trước khi virus lan tới cộng đồng người già. Đến lúc đó, lây nhiễm sẽ dừng lại và những người già sẽ an toàn”.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton, Mỹ và trung tâm y tế công cộng có trụ sở tại New Delhi đã đưa ra kết luận rằng Ấn Độ là nơi phù hợp nhất để có thể áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng vì dân số Ấn Độ tương đối trẻ, ít phải đối mặt với nguy cơ có một số lượng lớn người nhập viện và tử vong.
Một người đàn ông Ấn Độ lên xe đi cách ly.
Các chuyên gia đề ra phương án cho virus lây lan một cách có kiểm soát trong 7 tháng tới. Đến tháng 11.2020, 60% người dân Ấn Độ sẽ hình thành kháng thể và từ đó bệnh dịch chấm dứt.
Số ca tử vong chắc chắn sẽ ít hơn những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 như Italia, Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu nhận định. Ước tính 93,5% cộng đồng dân cư Ấn Độ là người dưới 65 tuổi.
Một lý do khác là những quốc gia có số dân đông, chênh lệch giàu nghèo lớn như Ấn Độ rất khó để thực thi lệnh phong tỏa một cách hiệu quả.
Những làng quê nghèo ở Ấn Độ có hệ thống y tế nghèo nàn, không đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 và chính quyền địa phương cũng không thể buộc người dân ở nhà.
Nhóm các chuyên gia đề xuất chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ phong tỏa, cho phép nhóm người dưới 60 tuổi trở lại cuộc sống bình thường, dĩ nhiên vẫn khuyến khích giãn cách xã hội và cấm tụ tập đông người.
Các bác sĩ Ấn Độ kiểm tra máy móc và giường bệnh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phải sẵn sàng xét nghiệm cho nhiều người nhất có thể mỗi ngày, cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hiện chưa có dấu hiệu sẽ nới lỏng phong tỏa hay có xu hướng tạo miễn dịch cộng đồng. Ấn Độ cũng không xét nghiệm trên quy mô lớn mà chỉ giới hạn ở những người có nguy cơ cao.
“Đến một mức nào đó, chúng ta phải chấp nhận để cho người dân nhiễm virus và khỏi bệnh, chỉ tập trung chữa cho người bệnh nặng”, Sundararaman, điều phối viên của Phong trào Sức khỏe Nhân dân – tổ chức y tế công cộng – có trụ sở ở New Delhi, nói.
Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng phương pháp xét nghiệm hiện tại là chính xác và dịch bệnh chưa lây lan vượt ngoài tầm kiểm soát. Tính đến ngày 21.4, Ấn Độ ghi nhận 20.080 ca nhiễm Covid-19 và 645 ca tử vong.
Ấn Độ đang chịu nhiều sức ép bởi lệnh phong tỏa khiến một lượng lớn người bị mất việc, hàng ngày đối mặt với nạn đói vì tỉ lệ người nghèo quá đông đảo.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần cải thiện năng lực y tế tại các bệnh viện, bổ sung thêm giường bệnh để đảm bảo rằng virus lây lan có kiểm soát trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Một rủi ro khác là vấn đề ô nhiễm, một lượng lớn người bị tiểu đường và huyết áp cao, có thể khiến tình trạng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ hơn dự đoán.
“Điều quan trọng là phải giáo dục cho người trẻ biết về những rủi ro của Covid-19. Đó mới là cơ sở để miễn dịch cộng đồng thành công”, Jason Andrews, trợ lý giáo sư về y khoa tại Đại học Stanford, nói.
Một số chuyên gia bày tỏ sự thận trọng, cho rằng nên tìm hiểu chính xác rằng cần tỉ lệ bao nhiêu người nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ để hình thành miễn dịch cộng đồng và liệu chiến lược này có loại bỏ hoàn toàn virus.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Ngoài Hà Lan, lãnh đạo tại một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang xem xét phương án xét nghiệm kháng thể trước...
Nguồn: [Link nguồn]