Quốc gia châu Á có số người tự sát nhiều hơn chết vì Covid-19
Đây là quốc gia duy nhất thuộc nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới thừa nhận tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho những người trong độ tuổi từ 15 – 39, theo CNN.
Áp lực cuộc sống đè nặng trong dịch Covid-19 khiến nhiều người Nhật Bản tìm cách tự tử (ảnh: CNN)
Giới chuyên gia đang gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn tự tử “nhức nhối” ở Nhật Bản trong dịch Covid-19. Thất nghiệp hàng loạt, hạn chế tiếp xúc xã hội đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người Nhật.
Thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, tự tử gây ra cái chết cho nhiều người dân nước này hơn cả dịch Covid-19.
Cụ thể, theo số liệu mới nhất được cập nhật từ đầu năm đến cuối tháng 10 vừa qua, có ít nhất 2.153 người chết vì tự tử ở Nhật Bản. Trong khi đó, đến ngày 29.11, Nhật Bản ghi nhận 2.106 người tử vong do Covid-19.
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia cập nhật số liệu người chết vì tự tử theo từng tháng. Ở Mỹ, từ năm 2018 đến nay, người ta không thống kê số vụ tự tử vì quá ít.
“Tác động của dịch Covid-19 ở Nhật là khá nhỏ so với những quốc gia khác. Tuy nhiên, số vụ tự tử lại đang có xu hướng gia tăng báo động. Nếu dịch bệnh bùng phát mạnh hơn, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Michiko Ueda – phó giáo sư xã hội học tại Đại học Waseda – nhận xét.
Từ năm 2010 – 2019, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực và liên tục giảm tỷ lệ người tự tử qua các năm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang đảo ngược xu hướng trên, số vụ tự tử ở Nhật Bản đang gia tăng ở cả nhóm nam và nữ.
Nhiều người trẻ tự tử ở Nhật Bản gây cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” (ảnh: SCMP)
Hôm 25.11, Bộ Y tế Nhật Bản công bố số liệu mới nhất, theo đó, 705 người đàn ông trong độ tuổi lao động ở nước này đã tự sát chỉ trong tháng 9, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cộng, có 1.805 người Nhật Bản chết vì tự tử trong tháng 9.
Đầu tháng 3 năm nay, Koki Ozora – sinh viên đại học, 21 tuổi – đã thành lập một đường dây nóng chăm sóc sức khỏe tâm thần 24/24. Nhóm tình nguyện của anh Ozora được tài trợ bởi nhiều quỹ tư nhân.
“Chúng tôi nhận được khoảng 200 cuộc gọi mỗi ngày. Nhiều người trong số đó là phụ nữ. Nhiều người bị mất việc làm trong dịch Covid-19 nhưng họ cần tiền để nuôi con, chăm sóc gia đình. Bế tắc trong cuộc sống, họ nghĩ đến việc tự tử”, Ozora nói.
“Những người gọi đến thường bắt đầu bằng câu: ‘Tôi biết nhờ vả là rất tệ hại nhưng bạn có thể giúp tôi được không?’ Tâm lý xấu hổ, sợ bị kỳ thị khiến nhiều người mặc cảm và e ngại khi tìm đến chúng tôi. Chúng tôi đã chuyển hình thức tư vấn sang cả trò chuyện và qua tin nhắn. Như vậy mọi người sẽ thấy thoải mái hơn”, Ozora nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Tự sát luôn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Theo số liệu được công bố mới nhất từ Bộ Y tế Nhật Bản,...