Quốc gia cảnh báo 4,8 triệu hộ dân chuẩn bị chiến tranh vì sợ Nga tấn công
Quốc gia ở Bắc Âu phát sách hướng dẫn người dân chuẩn bị cho việc bị tấn công bất ngờ, trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.
Cảnh báo chiến tranh được gửi đến 4,8 triệu hộ dân bằng tiếng Anh và tiếng Thụy Điển.
Theo ABC News, đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh người dân Thụy Điển được cung cấp thông tin khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc tranh luận gay gắt về an ninh cũng như khả năng Thụy Điển gia nhập liên minh NATO, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Gần đây, máy bay và tàu ngầm Nga cũng liên tục xâm phạm không phận và hải phận nước này, theo ABC News.
Cuốn sổ tay dày 20 trang in bằng tiếng Anh và tiếng Thụy Điển với tựa đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh nổ ra” được phát cho hơn 4,8 triệu hộ gia đình. Hướng dẫn nêu rõ cách đảm bảo các nhu cầu căn bản của người dân như thức ăn, nước uống, nhiệt độ và ý nghĩa của các tín hiệu cảnh báo. Cuốn sách cũng kêu gọi người Thụy Điển nhập ngũ nếu quốc gia bị đe dọa.
Trong trường hợp bị tấn công, Thụy Điển "sẽ không đầu hàng" và "mọi thông tin cổ vũ việc chấm dứt kháng chiến đều không chính xác".
Thụy Điển coi Nga là mối đe dọa an ninh hàng đầu.
Tài liệu được minh họa bằng nhiều hình ảnh sống động về các loại máy bay chiến đấu, còi báo động cũng cung cấp cho người dân kiến thức về những mối hiểm họa như khủng bố, tấn công mạng hoặc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Điện Kremlin trong quá khứ từng khẳng định rằng Nga không có kế hoạch can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Moscow cũng cáo buộc các cường quốc phương Tây phóng đại mối đe dọa về Nga.
Stockholm nhiều lần cáo buộc các hành động gây hấn của Nga là nguyên nhân khiến nước này phải tăng cường an ninh, bao gồm việc huy động quân thường trực trấn giữ đảo Gotland trên biển Baltic. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược, nhiều khả năng bị Nga tấn công đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra.
Thụy Điển về cơ bản không chiến tranh với bất cứ quốc gia nào trong hơn 200 năm qua. Lần cuối cùng nước này phát động chiến tranh là với Na Uy vào năm 1814. Trong giai đoạn Thế chiến 2, Thụy Điển duy trì tình trạng trung lập.
Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động khai thác kho vàng, bạc và nhiều khoáng sản quý khác tại khu vực biên giới tranh chấp...