Quốc gia Baltic quyết định mua 8 hệ thống HIMARS của Mỹ, hàng trăm đạn tên lửa
Quốc gia vùng Baltic giáp biên giới với Nga ngày 10/11 thông báo về quyết định đặt mua 8 hệ thống HIMARS từ Mỹ và đạn tên lửa đi kèm, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 495 triệu USD.
Pháo phản lực M142 HIMARS do hãng Lockheed Martin sản xuất.
Quan chức Lithuania cho biết, quốc gia láng giềng với Nga và Belarus đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nước này đã quyết định mua hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ, theo Defense Express.
Chính phủ Lithuania đã gửi yêu cầu tới Mỹ về việc mua 8 xe phóng HIMARS và đạn tên lửa. Chi tiết số đạn tên lửa mà Lithuania đề nghị mua gồm 36 quả đạn M30A2, 36 quả đạn M31A2, 36 quả đạn XM403 và 36 quả đạn XM404.
M30A2 và M31A2 là đạn tên lửa có tầm bắn 80km, hiện đang được quân đội Ukraine sử dụng cho hệ thống HIMARS trong các cuộc giao tranh với Nga.
XM403 và XM404 là đạn tên lửa tăng tầm, giúp HIMARS tăng tầm bắn lên tới 150km. Loại đạn này đang được hãng Lockheed Martin thử nghiệm giai đoạn cuối và sẽ được sản xuất đại trà trong năm sau.
Theo tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phê duyệt đề nghị mua vũ khí từ Lithuania.
Tổng giá trị của đơn hàng ước tính lên tới 495 triệu USD. Theo dự kiến, Lithuania sẽ nhận các hệ thống HIMARS vào năm 2025 hoặc 2026.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, Arvydas Anusauskas nói HIMARS "cung cấp năng lực mới và mạnh mẽ mà quốc gia này chưa từng có".
"Hợp đồng mua bán này sẽ góp phần củng cố năng lực quân sự của Lithuania, tăng cường hơn nữa khả năng tương tác quân sự với Mỹ và các đồng minh", DSCA tuyên bố.
HIMARS hiện đang là một trong những vũ khí đã chứng minh năng lực chiến đấu hiệu quả trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Lithuania là quốc gia thành viên EU và NATO, hiện đang chi ngân sách quốc phòng ở mức 2,5% GDP, tương đương 1,6 tỉ euro. Quốc gia này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO năm sau.Bên cạnh Lithuania, Latvia và Estonia cũng đã bày tỏ mong muốn mua các hệ thống HIMARS.
Tuần trước, Nga một lần nữa tuyên bố phá hủy pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine, nhưng quan chức Mỹ đã lên tiếng bác bỏ.
Nguồn: [Link nguồn]