Quan tham nhận vàng thỏi quá nặng khiến cấp dưới run sợ, liên tiếp "lũng đoạn" bầu cử
Trong thời gian nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh Ủy Liêu Ninh (Trung Quốc ) của Vương Mân, đã liên tiếp xảy ra những vấn đề gian lận phiếu bầu trong 3 cuộc bầu cử ở tỉnh này.
Tập đầu tiên của bộ phim tài liệu đặc biệt về đề tài chống tham nhũng "Lưỡi kiếm thanh tra" được công chiếu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), đã phơi bày nhiều tình tiết trong vụ án nhận hối lộ, mua bán phiếu bầu cử của Vương Mân - cựu Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.
"Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy bản thân khi đó không chỉ cực kỳ vô trách nhiệm, mà còn khiến cuộc đời chính trị của chính mình thành trò cười", Vương chia sẻ trên sóng truyền hình.
Vương Mân kể lại quá trình phạm tội trong phim "Lưỡi kiếm thanh tra". Ảnh: CCTV
Từ năm 2009 đến năm 2015, trong thời gian nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh Ủy Liêu Ninh của Vương Mân, đã liên tiếp xảy ra những vấn đề vi phạm quy chế, gian lận danh tính và hối lộ phiếu bầu trong 3 cuộc bầu cử ở tỉnh này.
Cụ thể, cựu Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Tô Hoành Chương, các cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy Vương Dương và Trịnh Ngọc Trác đều được đề bạt thông qua gian lận phiếu bầu, với 45 trên tổng số 102 đại biểu của tỉnh Liêu Ninh trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có hành vi hối lộ mua phiếu.
Với tư cách là bí thư tỉnh ủy, Vương Mân nhận thức rõ những thực trạng cũng như những gì ông này đã làm trong các cuộc bầu cử. Vì vậy, khi đoàn thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đến thăm Liêu Ninh lần đầu tiên vào năm 2014, Vương Mân đã vô cùng lo lắng.
"Tôi rất lo lắng về đoàn thanh tra và đã làm mọi cách để nghe ngóng tình hình. Ví dụ, họ đã cử người đến thành phố Đại Liên, đến thị trân An Sơn có phải để điều tra về Vương Dương hay không", Vương kể lại.
Đoàn kiểm tra trung ương đã phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc bầu cử nhưng không đủ chứng cứ để kết tội Vương. Do vậy, họ chỉ yêu cầu Tỉnh ủy Liêu Ninh cần điều tra và chấn chỉnh lại các vấn đề phát sinh trong bầu cử.
Vương Mân khi đó lại cho rằng bản thân đã thoát nạn, cho rằng chính quyền trung ương sẽ không còn coi trọng vấn đề của Liêu Ninh nữa, nên đối với các yêu cầu từ tổ thanh tra, ông này chỉ làm qua loa cho xong chuyện.
"Về mặt chính trị, tôi nghĩ không thể xử cấp tỉnh, nên chỉ xử một thành phố cấp tỉnh và một thành phố cấp quận cho xong", Vương tiết lộ.
Cho đến năm 2016, đoàn thanh tra của CCDI thực hiện đợt "Nhìn lại" lần thứ nhất, lấy Liêu Ninh là một trong bốn tỉnh "Nhìn lại" và Vương Mân cũng bị liệt vào trọng điểm.
Trong quá trình xem xét và điều tra các tài liệu, đoàn thanh tra đã tìm thấy những chi tiết quan trọng liên quan trực tiếp đến Vương Mân và vụ hỗn loạn bầu cử.
Chẳng hạn, nhìn vào biên bản họp của ban Thường vụ Tỉnh ủy Liêu Ninh, thấy rằng Vương Mân đã đề xuất riêng để Tô Hoành Chương làm ứng cử viên ngắn hạn cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mà không thông qua sự nghiên cứu tập thể của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Những tang vật liên quan tới vụ án. Ảnh: CCTV
Theo CCDI, Vương Mân trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh đã từng giữ một số chức vụ quan trọng như Bí thư Thành ủy Tô Châu, Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm và có được một số thành tích.
Tuy nhiên, từ khi chuyển tới Liêu Ninh công tác, Vương cho rằng đây sẽ là chức vụ cuối cùng của bản thân, từ đó nảy sinh ra tâm lý "giữ hòa khí", luôn có thái độ cả nể và không muốn đắc tội với ai.
Vương Mân còn đích thân chào hỏi một số chủ doanh nghiệp, nhận quà và giúp họ được đề tên trong các dự án. Thậm chí, khi các ông chủ đề nghị muốn có ghế trong đại biểu quốc hội, Vương Mân cũng không từ chối.
“Chẳng phải tôi đã cầm tiền và đồ vật giá trị của người ta rồi sao, nên khi họ tới tìm tôi và đặt vấn đề muốn có ghế trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tôi liền đồng ý và hứa sẽ lên tiếng giúp họ”, Vương cho hay.
Trương Quốc Huy, Cựu tổng giám đốc Tập đoàn khí đốt thành phố Thẩm Dương, kể lại: “Có lần, ông Tô Hoành Chương tới gặp tôi và nói rằng Bí thư Vương muốn 'lấy' một ít tiền từ chỗ chúng tôi. Tôi hỏi bao nhiêu, Tô nói cứ cho tiền vào cái túi đen ở bên cạnh là được. Tôi hỏi khoảng 20.000-30.000 USD có được không, thì ông ta liền đồng ý".
Tô Hoành Chương khai nhận: "Tôi sau đó liền tới văn phòng của Bí thư Vương để báo cáo về một số công việc. Trước khi rời đi, tôi nói rằng có để lại một ‘đồ vật’ trong phòng. Vậy là ông ấy, tức Bí thư Vương, hiểu ngay".
Tô nói trong phim: "Một món quà nhỏ, đôi khi né tránh nó, đôi khi lại nói cũng được, lịch sự khách sao nhận nó".
Những món quà gọi là nhỏ nhưng thực ra lại rất giá trị. Các món quà liên quan đến vụ án hối lộ bầu cử Liêu Ninh bao gồm vàng miếng, thẻ mua sắm trị giá hàng chục nghìn NDT, điện thoại di động Apple... Số tiền hối lộ liên quan vụ án lên tới hơn 50 triệu NDT (gần 180 tỷ đồng).
Kỳ Minh, cựu Phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương và là người trung gian hối lộ cho biết: "Tôi cũng sợ, vì thỏi vàng quá nặng".
Trong bản kiểm điểm, Vương Mân viết: "Chính vì sự thiếu trách nhiệm của tôi đã làm mất uy tín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm hệ thống bầu cử bị khinh nhường, hoen ố danh hiệu “người đại biểu của nhân dân”, gây ảnh hưởng chính trị vô cùng xấu trong toàn đảng, toàn xã hội".
Vào tháng 8/2016, Vương Mân bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 8/2017, ông này bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.
Một quan tham Trung Quốc đã được đưa về nước ngày 14.11, sau 20 năm lẩn trốn ở Mỹ, nhờ sự phối hợp của các cơ quan liên quan, truyền thông Trung Quốc cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]