Quan quân lục soát nhà Hòa Thân không thấy gì, châu báu giấu một nơi chỉ Gia Khánh đoán ra
Gia Khánh đã hiểu Hòa Thân từ lâu, biết rằng ông ta không thể phơi bày tài sản một cách lộ liễu ra bên ngoài được.
Quan tham Triệu Đức Hán trong phim “Danh nghĩa nhân dân”
Bộ phim truyền hình Trung Quốc nổi tiếng về đề tài tham nhũng “Danh nghĩa nhân dân” đã làm cho người xem một phen té ngửa với chi tiết tiền của vị quan tham Triệu Đức Hán được phát hiện giấu ở một ngôi nhà khác, thậm chí giấu cả trong tủ lạnh.
Trước đó, người xem thấy Triệu Đức Hán sống trong ngôi nhà đơn sơ với lối sống vô cùng giản dị, đi làm bằng xe đạp và vào tối hôm bị bắt, ông ta vẫn đang một mình ăn mì ở nhà. Khi Hầu Lượng Bình đến nhà ông ta để kiểm kê tài sản cũng không tìm thấy thứ gì đắt giá.
Các quan tham biết tiền của mình là không chính đáng nên luôn nghĩ cách nào đó để che đậy.
Hòa Thân còn “cao tay” hơn Triệu Đức Hán. Ông ta không dùng một căn nhà khác để cất giấu vàng mà giấu ngay trong nhà của mình, nhưng là một nơi mà bạn không thể nghĩ đến.
Hòa Thân ngày càng được Càn Long trọng dụng (ảnh minh họa)
Hòa Thân vốn sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha là Phó Đô thống tỉnh Phúc Kiến nhưng cha mẹ sớm qua đời, khi Hòa Thân lên 9 tuổi. Hòa Thân và em trai Hòa Lâm trở thành những đứa trẻ mồ côi. Người mẹ kế không muốn nuôi hai anh em Hòa Thân nên anh em phải tự lo cho mình. May mắn khi đó có người hầu lâu năm trong gia đình sẵn sàng nuôi dưỡng hai anh em.
Có lẽ Hòa Thân nếm trải nỗi khổ không có tiền từ khi đó, nên sợ lớn lên sẽ khổ sở. Vì thế mà vốn không tham lam nhưng kể từ khi xử lý vụ án tham nhũng của Tổng đốc Vân Nam, Hòa Thân đã bị “lóa mắt” khi lần đầu nhìn thấy số tiền lớn.
Hòa Thân không chỉ có chỉ số IQ cao mà còn có chỉ số EQ cao, luôn có thể đoán ý Càn Long một cách nhanh chóng và chính xác, làm tốt mọi việc mà không cần đợi Càn Long mở lời. Năm 1777 Càn Long phong ông ta làm Thị lang Bộ Hộ.
Bên cạnh Càn Long, ngoài Hòa Thân ra còn có một người khác luôn được Càn Long trọng dụng. Người này chính là Tổng đốc Vân Nam Lý Thị Nghiêu.
Trước Hòa Thân, Lý Thị Nghiêu là đệ nhất quan tham của triều Thanh. Sau đó, Hòa Thân vượt qua và Lý Thị Nghiêu bị đẩy xuống thứ nhì.
Trước Hòa Thân, Lý Thị Nghiêu là đệ nhất quan tham của triều Thanh (ảnh minh họa)
Trong thời gian Lý Thị Nghiêu còn đương chức, Càn Long nhiều lần phát hiện ông ta tham nhũng nhưng bất đắc dĩ tha chết. Nguyên nhân là do ông ta cũng là một tài năng lớn. Càn Long sợ giết ông ta thì sẽ không tìm được người thứ hai có tài năng như vậy, nên đã năm lần bảy lượt tha chết.
Lý Thị Nghiêu ngày thường xem nhẹ người trẻ hơn là Hòa Thân nhưng Hòa Thân từ sớm đã có lòng ganh ghét Lý Thị Nghiêu. Cho nên khi việc điều tra Lý Thị Nghiêu được giao vào tay Hòa Thân, ông ta phải chuẩn bị thật tốt.
Hòa Thân lập công lớn khi phá án tham nhũng Lý Thị Nghiêu (ảnh minh họa)
Vừa đến Côn Minh, Hòa Thân lập tức bắt tay vào điều tra Lý Thị Nghiêu và nhanh chóng phát hiện ra người này đã tham nhũng 5.400 lượng vàng, hơn 2.000 viên ngọc trai, hơn 1000 viên ngọc bích, số đồ tham nhũng quy ra bạc là khoảng 31.000 lượng.
Theo luật nhà Thanh, Lý Thị Nghiêu phải bị kết án tử hình ngay. Nhưng Hòa Thân biết Càn Long không muốn ông ta phải chết, nên kết án “trảm giam hậu” (giam lại đợi cân nhắc việc xử trảm).
Ghi nhận công phá án của Hòa Thân, Càn Long thưởng cho ông ta rất hậu hĩnh, mà không ngờ rằng Hòa Thân đã “bỏ túi” rất nhiều tài sản của Lý Thị Nghiêu trong quá trình điều tra khám xét nhà viên quan này.
Hòa Thân còn tham nhũng hơn Lý Thị Nghiêu rất nhiều. Là “thân tín” bên cạnh Càn Long, ông ta được nhiều người nhờ vả và hối lộ vô kể.
Hòa Thân còn tham nhũng hơn Lý Thị Nghiêu rất nhiều (ảnh minh họa)
Hòa Thân không thích trực tiếp nhận tiền vì dễ bị người khác phát hiện. Ông ta thích được nhận quà hối lộ một cách “tao nhã” như một bức thư pháp cổ, để ngay cả khi có người hỏi thì cũng có thể cho đó là món quà của những người bạn.
Gia đình Hòa Thân có quá nhiều bức thư pháp cổ, nên ông ta mở một cửa hàng bán những bức thư pháp cổ đó với giá cao ngất ngưởng. Nhưng ngay cả khi bán với giá cao quá mức so với giá gốc, thì vẫn có nhiều người bỏ tiền ra mua để lấy lòng ông ta.
Hòa Thân đem số tiền kiếm được về nhà, cất giấu ở một nơi bí mật. Còn nơi đó ở đâu thì người ta chỉ có được lời giải sau khi Gia Khánh lên ngôi.
Gia Khánh từ lâu đã muốn loại bỏ Hòa Thân (ảnh minh họa)
Năm 1796, Càn Long chủ động lên thái thượng hoàng. Khi Gia Khánh đăng cơ, Càn Long vẫn tiếp tục nắm quyền quyết định những việc lớn.
Những năm cuối đời, việc nói năng của Càn Long trở nên khó khăn, các đại thần và ngay cả hoàng đế Gia Khánh đều không nghe rõ những điều ông nói, nhưng Hòa Thân chỉ cần nhìn Càn Long mấp máy môi là biết ông nói gì.
Vì thế Hòa Thân trở thành người chuyển lời của Càn Long cho các đại thần. Gia Khánh cũng chỉ có thể ngồi bên cạnh và quan sát.
Hòa Thân được ví như “Hoàng đế thứ 2” bên cạnh Càn Long. Bản thân Gia Khánh cũng cảm nhận được bầu không khí kỳ lạ bao trùm khắp triều đình. Gia Khánh từng lo ngại và nói với Tuần phủ Giang Tây Trương Thành Cơ rằng: “Trẫm mà không trừ Hòa Thân thì người trong thiên hạ chỉ biết đến Hòa Thân mà không biết đến Trẫm”.
Gia Khánh đã cho giam Hòa Thân với 20 tội lớn (ảnh minh họa)
Gia Khánh muốn vậy nhưng khi Càn Long còn sống thì mong muốn đó không thể thực hiện được. Chỉ 15 ngày sau khi Càn Long qua đời vào ngày 7 tháng 1 năm 1799, Gia Khánh đã cho giam Hòa Thân với 20 tội lớn và cho tịch thu toàn bộ gia sản của ông ta.
Khi quan quân đến lục soát nhà Hòa Thân, họ ngã ngửa vì nhà của đại tham quan không có mấy vàng bạc châu báu. Điều này rõ ràng vô lý. Họ không biết phải làm thế nào đành về tâu báo với Gia Khánh.
Gia Khánh lệnh cho lục soát nhà và tịch thu toàn bộ gia sản của Hòa Thân (ảnh minh họa)
Gia Khánh đã hiểu Hòa Thân từ lâu, biết rằng ông ta không thể phơi bày tài sản một cách lộ liễu ra bên ngoài được. Nghĩ đến điều đó, Gia Khánh ra lệnh đập các cây cột trong nhà Hòa Thân.
Các quan quân được lệnh quay lại nhà Hòa Thân, vung búa đập vào các cột trong nhà. Sự thật đúng như Gia Khánh dự đoán, vàng bạc tuôn từ trong các cột ra như nước.
Số tài sản tham ô của Hòa Thân nhiều hơn tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều đình nhà Thanh (ảnh minh họa)
“Thanh thực lục” chép về số tài sản tham ô của Hòa Thân là 800 triệu đến 1,1 tỉ lượng bạc, nhiều hơn tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều đình nhà Thanh.
Bấy nhiêu tiền cũng đã đủ kết án tử hình ông ta. Gia Khánh vốn đã muốn xử lăng trì (tùng xẻo) Hòa Thân nhưng Thập công chúa (con dâu của Hòa Thân và là em gái của Gia Khánh) can ngăn, xin Gia Khánh ban cho ông ta được chết toàn thây.
Hòa Thân đã chấm dứt cuộc đời của một quan tham ở tuổi 49 (ảnh minh họa)
Gia Khánh không chịu được cảnh Thập công chúa quỳ rạp xuống khóc, nên đã cho Hòa Thân lựa chọn cái chết bằng dải lụa, con dao hoặc chén thuốc độc. Cuối cùng, Hòa Thân đã lựa chọn dải lụa để tự sát, chấm dứt cuộc đời của một quan tham ở tuổi 49.
Nguồn: [Link nguồn]
Dẫu biết Hòa Thân vơ vét, ăn hối lộ, tham nhũng nhưng Càn Long nhiều lần làm ngơ, thậm chí còn dặn hoàng đế kế vị là...