Quân nổi dậy Myanmar đặt mục tiêu kiểm soát vùng giáp Ấn Độ
Lực lượng chống chính quyền quân sự ở bang Chin của Myanmar đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát khu vực giáp biên giới với Ấn Độ, sau khi đã chiếm được 2 bốt quân sự trên biên giới núi non xa xôi, một chỉ huy cấp cao của lực lượng cho biết.
Khu trại của Mặt trận Dân tộc Chin ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Vài chục tay súng của lực lượng nổi dậy chiến đấu với quân đội Myanmar từ sáng sớm đến tối khuya ngày 13/12, kết quả là họ giành được 2 trại quân sự giáp bang Mizoram của Ấn Độ. Đây là một phần của chiến dịch trên quy mô lớn nhằm chống lại chính quyền quân sự, ông Sui Khar, Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc Chin (CNF), cho biết.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar và Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.
Chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021. Ba lực lượng dân tộc thiểu số triển khai chiến dịch tấn công phối hợp từ cuối tháng 10 vừa qua, giành được một số thị trấn và đồn quân sự.
Đợt tấn công mang tên “Chiến dịch 1027” ban đầu nhằm vào các khu vực giáp với Trung Quốc ở bang Shan, khiến chính quyền mất kiểm soát nhiều thị trấn và hơn 100 đồn quân sự.
“Chúng tôi đang tiếp tục tấn công vào bang Shan ở miền bắc”, ông Kyaw Naing, phát ngôn viên Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar, một lực lượng tham gia chiến dịch, cho biết.
Chiến sự cũng đã nổ ra trên hai mặt trận mới từ tuần này, lan ra hai bang Rakhine và Chin ở phía tây, khiến hàng ngàn người phải chạy sang Mizoram.
Khoảng 80 tay súng của lực lượng nổi dậy đã tấn công các trại quân sự ở Rihkhawdar và Khawmawi ở bang Chin trong sáng sớm qua, cuối cùng kiểm soát được cả hai khu trại này sau nhiều giờ giao tranh, ông Sui Khar cho biết.
Sau trận chiến, 43 binh lính Myanmar đầu hàng cảnh sát Ấn Độ và đang trú ẩn ở Mizoram, một sĩ quan cảnh sát Ấn Độ cho biết.
Cũng theo ông Sui Khar, lực lượng nổi dậy ở bang Chin sẽ củng cố quyền kiểm soát ở khu vực dọc biên giới Ấn Độ - Myanmar, nơi quân đội Myanmar có hai trại quân sự.
“Chúng tôi sẽ tiến lên. Chiến thuật của chúng tôi là tiến từ làng đến thị trấn đến thủ đô”, ông Sui Khar nói với Reuters.
Bang Chin vốn yên bình trong nhiều năm trước đây, nhưng trở thành địa bàn giao tranh dữ dội sau cuộc đảo chính năm 2021, khi hàng ngàn người dân tham gia cầm vũ khí chống chính quyền.
Lực lượng nổi dậy ở bang Chin được người dân Mizoram hỗ trợ, một phần do quan hệ gần gũi về dân tộc. Hàng ngàn người từ Myanmar chạy sang bang nhỏ của Ấn Độ để trú ẩn, trong đó có cả các nghị sĩ của bang và liên bang.
Một người dân ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, và nhiều tài khoản mạng xã hội cho biết xe tăng đã xuất hiện ở thành phố, sau khi chiến sự nổ ra ở bang này.
Chính quyền quân sự áp lệnh giới nghiêm ở Sittwe và người dân không được phép ra khỏi nhà sau 9h tối.
Tuần trước, người đứng đầu chính quyền quân sự cho biết Myanmar đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt vì phản ứng không hiệu quả với cuộc nổi dậy.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số đã tấn công nhiều chốt an ninh ở Myanmar trong ngày 13/11, khi giao tranh lan ra hai mặt trận mới, khiến hàng nghìn người phải vượt biên sang nước...