Quân K bích trong bộ bài Tây: Vị vua đi vào thần thoại, đánh bại gã khổng lồ Goliath
Vua David của Israel là một nhân vật có thật trong lịch sử, trị vì vương quốc Israel từ năm 1010-970 trước Công nguyên và từng được nhắc đến trong cuộc đấu không cân sức với gã khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh.
Vua David của Israel là tượng trưng cho quân K bích trong bộ bài Tây.
Người Pháp từ xa xưa quan niệm quân K bích trong bộ bài tây là tượng trưng cho vua David của Israel. Cuộc đời vua David được thần thánh hóa trong câu chuyện kể lại trong Kinh Thánh.
Trong Kinh Thánh, David là con trai nhỏ nhất của một người đàn ông tên Jesse, sống ở vương quốc Israel cổ đại. Vương quốc khi đó do vị vua tên Saul trị vì và thường xuyên xảy ra chiến tranh với một tộc người đối địch gọi là Philistine.
David chỉ là một chàng trai chăn cừu bình thường, nhưng có tinh thần dũng cảm, xung phong gia nhập quân ngũ chống lại người Philistine. Trong một trận chiến, David đánh bại một trong những chiến binh to lớn nhất, mạnh mẽ nhất của người Philistine là Goliath.
Cuộc chiến với gã khổng lồ Goliath
Goliath được gọi là gã khổng lồ vì có chiều cao vượt trội lên tới 3 mét. Mỗi lần xuất hiện, Goliath thường đội mũ đồng, mặc áo giáp đồng, chân đi ủng đồng, trên vai đeo một ngọn giáo đồng, theo Live Science.
Trong suốt 40 ngày, Goliath thách thức người Israel cử ra một chiến binh để đấu tay đôi phân thắng bại. Trong khi nhiều người không dám ra ứng chiến, David tình nguyện lãnh trọng trách.
Vua Saul ban cho David áo giáp và vũ khí thuộc loại tốt nhất. Nhưng chàng trai trẻ từ chối và chỉ xin cầm theo cây gậy, cái tròng quăng đá và đá cuội mang theo người.
Đứng trước Goliath, David là một chàng trai vô cùng nhỏ bé. Điều này khiến Goliath tức giận, cho rằng đây là trò đùa.
Goliath lao vào tấn công David một cách điên cuồng. Nhờ thể hình nhỏ bé hơn nhiều, David dễ dàng né tránh những đòn tấn công như búa bổ của Goliath. Chờ đợi thời cơ thích hợp, David giương tròng quăng đá, bắn những phát thật mạnh.
David đấu tay đôi với gã khổng lồ Goliath. Ảnh minh họa.
Một trong những viên đá bay ngay vào giữa trán khiến Goliath đau điếng, gục ngã và bất tỉnh. Quân Philistine trở nên hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, giúp cho vua Saud giành phần thắng.
Câu chuyện chàng chăn cừu David đánh bại gã khổng lồ Goliath ngày nay trở thành một điển tích lịch sử và vẫn thường được nhắc lại.
Sau này, vua Saul và thái tử Jonathan chết trong trận đánh với người Philistine. Vương quốc Israel bị chia cắt làm đôi với xứ Judah ở miền nam do David cai quản và xứ Israel ở miền bắc thuộc quyền kiểm soát của con út Saul là Ish-Bosheth. Hai thế lực này chiến tranh liên miên, cho đến khi Ish-Bosheth bị mưu sát và David được suy tôn làm vị vua duy nhất.
Trong quãng thời gian cầm quyền, David được cho là đã chiếm được Jerusalem, đặt thành phố này là kinh đô của vương quốc. Ngày nay, Jerusalem được coi là vùng đất Thánh, là thánh địa linh thiêng thứ ba sau Mecca và Medina của người Hồi giáo ở Ả Rập Saudi.
Những tranh cãi về lịch sử
Ngày nay, những câu chuyện kể về vua David chủ yếu được trích từ Kinh Thánh. Các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít các bằng chứng lịch sử về sự tồn tại của vua David.
Đáng chú ý nhất là một tảng đá lớn, gọi là Tel Dan Stele, được tìm thấy vào đầu thập niên 1990. Trên bề mặt tảng đá có khắc những dòng chữ đề cập đến một vị vua Israel và vương triều David. Dòng thứ 8 và thứ 9 trên mặt đá có khắc: “Vua của người Israel, và ta đã giết [...] con trai của [vua] thuộc triều đại David. Và ta sẽ nghiền nát [những thành phố của bọn chúng]”.
Eric Cline, giáo sư khảo cổ tại Đại học George Washington ở Mỹ, dẫn chứng “triều đại David” có nghĩa là vua David thực sự từng trị vì vương quốc.
“Trong suốt một thời gian dài, bằng chứng này đã chấm dứt những tranh cãi về việc David liệu có phải là nhân vật có thật trong lịch sử hay không”, Cline viết.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng tranh cãi về quy mô vương quốc Israel dưới thời vua David và rằng liệu David có phải vị vua xây dựng “nền quân chủ chuyên chế”, thống nhất người Do Thái hay không.
Vua David đưa Rương Thách tích vào thành phố Jerusalem.
Israel Finkelstein, một giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tel Aviv, từng lập luận rằng vương quốc của David khiêm tốn hơn những gì chép lại trong Kinh thánh. “Hơn một thế kỷ khám phá Jerusalem, kinh đô của vương quốc Israel, các nhà khảo cổ không tìm thấy bất cứ dấu tích nào của những công trình xây dựng từ thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. Lẽ nào Jerusalem khi đó chỉ là một ngôi làng nhỏ hẻo lánh, không phải là một kinh đô sầm uất?”, Finkelstein viết.
Nhưng nhiều học giả đã bác bỏ luận điểm của Finkelstein. Một nhóm các nhà khảo cổ do Eilat Mazar – nhà nghiên cứu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, từng thông báo về việc tìm thấy dấu vết bức tường đá có niên đại vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên ở thời vua Solomon, con trai kế vị vua David.
Nhóm của Mazar cũng phát hiện cấu trúc lớn, có thể từng là nơi đặt cung điện vua David. Một số nhà khảo cổ khác thông báo về việc tìm thấy dấu vết của vương triều vua David ở ngoại ô Jerusalem.
Giáo sư Avraham Faust thuộc trường Đại học Bar-Ilan, Israel nói: "Cách đây 25 năm không ai nghi ngờ vua David là một nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lịch sử về vua David và đặc biệt là quy mô vương quốc của ông là điều gây tranh cãi lớn”.
Năm 2018, một phát hiện mới tại Tel Eton dường như chỉ ra rằng vương quốc của vua David này từng kiểm soát các khu vực lớn hơn cả những đánh giá trước đây.
Nhưng một lần nữa, tàn tích thành phố ở Tel Eton không có bất cứ dòng chữ nào mô tả ai là vị vua giai đoạn đó và liệu vua David có liên quan gì đến di chỉ này hay không.
______________
Gần đây, các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thành Troy trong thần thoại Hy Lạp là có thật. Bài kỳ tới xuất bản lúc 10 giờ sáng ngày 25.1 trên mục Thế giới sẽ viết về một nhân vật chính của cuộc chiến này, người được cho là quân K rô trong bộ tú lơ khơ.
Ông được cho là vị vua vĩ đại nhất thế giới, vì từng chinh phạt gần như khắp quả đất, đưa văn hóa Hy Lạp lan rộng...
Nguồn: [Link nguồn]