Quan hệ Mỹ - Trung sau vụ khinh khí cầu do thám
Sự xuất hiện của khinh khí cầu do thám Trung Quốc ở Mỹ tiếp tục kéo lùi quan hệ hai nước bất chấp các nỗ lực xuống thang trước đó.
Hôm 2-2, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo một khinh khí cầu bất ngờ xuất hiện trên bầu trời bang Montana - gần nơi đặt căn cứ không quân Malmstrom có hầm chứa 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), theo hãng tin AP. Trung Quốc (TQ) sau đó lên tiếng xác nhận đây là khinh khí cầu khí tượng dân sự của nước này bị thổi lệch hướng sang Mỹ, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đây là khinh khí cầu do thám quân sự. Hiện khinh khí cầu này đã bị bắn rơi sau khi dạt ra Đại Tây Dương. Đến ngày 4-2, một khinh khí cầu thứ hai tiếp tục được phát hiện bay qua một số nước ở khu vực Mỹ Latinh.
Thử thách mới cho quan hệ Mỹ - Trung
Sự xuất hiện của khinh khí cầu TQ trong không phận Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa chính quyền hai bên, điển hình là thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken. Theo đó, ông Blinken dự kiến sẽ đến thăm TQ và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương vào ngày 5-2. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó thông báo ông Blinken đã gọi điện cho Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị để thông báo hoãn chuyến đi.
Việc giảm căng thẳng với Mỹ được cho nằm trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tập trung nguồn lực vào việc khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Phó Thủ tướng Lưu Hạc ngày 18-1 đã tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại TP Davos (Thụy Sĩ) nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài và tuyên bố rằng TQ đã mở cửa trở lại. |
“Trong cuộc điện đàm với ông Vương Nghị, tôi đã làm rõ việc khinh khí cầu do thám xuất hiện trong trong không phận Mỹ đã xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Mỹ và luật quốc tế, đó là hành vi vô trách nhiệm. Việc TQ đưa ra hành động như vậy trước chuyến thăm của tôi đã gây bất lợi cho những cuộc thảo luận thực chất mà chúng tôi chuẩn bị” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Blinken.
Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao TQ cho biết ông Vương đã bác bỏ những cáo buộc của ông Blinken, khẳng định TQ là một quốc gia có trách nhiệm và luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Đồng thời, ông Vương cũng cho rằng chính quyền Mỹ đang “thổi phồng mọi chuyện quá mức”.
Bà Rorry Daniels, Giám đốc điều hành Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ), nhận định sự xuất hiện của khinh khí cầu là “một hành động nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn”. “Thật là kinh ngạc khi bạn nhìn vào lịch sử quan hệ Mỹ - TQ và tất cả giai đoạn khác nhau mà hai nước đã trải qua để rồi kết thúc ở đây” - bà Daniels nói, tờ The New York Times cho hay. Hậu quả trước mắt từ việc hoạt động liên lạc giữa hai chính quyền bị thu hẹp là sẽ càng khiến cho hai nước khó xác định được ý định của nhau khi các khủng hoảng khác nổ ra trong tương lai.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc bước vào giai đoạn căng thẳng mới vì sự xuất hiện của khinh khí cầu do thám. Ảnh: AP
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao?
Trong khoảng vài tháng trước vụ phát hiện khinh khí cầu, TQ được cho là đã có nhiều hành động thực chất để cải thiện quan hệ với Mỹ. Quan chức ngoại giao TQ đã giảm bớt những phát ngôn gay gắt thường thấy về Washington. Một điểm nổi bật là lời kêu gọi của Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương về việc xây dựng “sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ thân thiết giữa hai dân tộc” trong phát biểu hoàn thành công tác đại sứ tại Mỹ hồi đầu tháng 1.
Ông Ryan Hass, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia về các vấn đề TQ, cho biết: Hướng chung của thông điệp ngoại giao gần đây của TQ tới Mỹ là tìm cách giảm căng thẳng. Tuy nhiên, sự cố khinh khí cầu lại không phù hợp với thông điệp chung này. Theo ông, bản thân giới chức Bắc Kinh hiểu rõ không thể để mối quan hệ với Mỹ xuống thấp hơn nữa và quản lý hiệu quả quan hệ này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm nay. Việc đẩy căng thẳng với Mỹ lên cao hơn đến giờ không có lợi cho TQ khi Mỹ lúc này đã làm tê liệt hàng loạt công ty viễn thông lớn của nước này như Huawei, áp lệnh cấm xuất khẩu đối với công nghệ bán dẫn. Đồng thời, Mỹ cũng đang chủ động siết chặt quan hệ quân sự với các đồng minh, đối tác châu Á, mới đây nhất là việc Mỹ được mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines.
“Việc Ngoại trưởng Blinken hoãn chuyến thăm rõ ràng có thể đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý căng thẳng với Mỹ của TQ. Đây là một vấn đề mà Bắc Kinh cần phải nhanh chóng khắc phục” - ông Hass nhấn mạnh.
Về phía phản ứng của Mỹ, GS Jessica Chen Weiss thuộc ĐH Cornell (Mỹ) cho biết quyết định hủy bỏ chuyến đi của ông Blinken là một hành động đáng tiếc, mang tính biểu dương chính trị thay vì thực tế. “Điều đó cũng xác nhận những kỳ vọng thấp về chuyến đi, rằng chính quyền ông Biden biết rõ chuyến đi này sẽ không đem lại được lợi ích nào đáng kể trong bối cảnh quốc hội đang đoàn kết trong quan điểm chống TQ” - bà Weiss nói.
Ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng đồng ý vụ việc đã làm cho bầu không khí trở nên xấu đi và lập trường hai bên trở nên cứng rắn hơn, không có gì đảm bảo rằng hai bên có thể khôi phục thành công của những cuộc hội đàm trước.
Đã từng có tiền lệ về khinh khí cầu Trung Quốc? Theo đài ABC News, khinh khí cầu do thám từng được sử dụng phổ biến trong Thế chiến II. Một số người cho biết Mỹ từng chứng kiến các sự cố khinh khí cầu do thám từ TQ và một nguồn tin nói có hai vụ từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump nhưng không được công khai. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cũng xác nhận đã có những sự cố khinh khí cầu đến gần hoặc bay qua biên giới Mỹ trong quá khứ nhưng điều khiến vụ việc lần này khác biệt là thời gian khinh khí cầu bay qua lãnh thổ Mỹ và khoảng cách xâm nhập. Chuyên gia Craig Singleton thuộc Tổ chức Bảo vệ dân chủ (Mỹ) cho biết các khinh khí cầu do thám của TQ từng được nhìn thấy nhiều lần trong năm năm qua ở các khu vực khác nhau ở Thái Bình Dương, gồm cả gần căn cứ quân sự nhạy cảm của Mỹ ở Hawaii. Ông nói khinh khí cầu do thám đóng vai trò là phương tiện vận hành chi phí thấp nhằm thu thập thông tin tình báo. Một số loại có thể được sử dụng để phát hiện tên lửa siêu vượt âm. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bắc Kinh chỉ trích việc Mỹ điều chiến đấu cơ F-22 bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.