Quan hệ huyết thống: Bí mật tồn vong của hoàng gia Trung Cổ
Không vị vua thời Trung Cổ nào có thể ăn ngon ngủ yên cho tới khi chuyển giao quyền lực cho con trai một cách suôn sẻ. Robert Bartlett, nhà sử học người Anh, đã hé lộ bí mật tồn vong của các triều đại Trung Cổ.
Bí mật tồn vong của hoàng gia Trung Cổ nằm ở quan hệ huyết thống. Ảnh: History Extra
"Ở vương quốc này, ai cũng hiểu, một vị vua lên ngôi chưa hẳn là người theo đúng nguyện vọng của người dân hoặc được bầu chọn mà là bởi quan hệ huyết thống", theo Margaret of Burgundy, chị gái của 2 vị vua nước Anh - Edward IV và Richard III.
Đối với các nước châu Âu thời Trung Cổ, gần như tất cả theo chế độ quân chủ - đất nước được cai trị bởi hoàng gia. Vì vậy, quá trình chuyển giao quyền lực chủ yếu dựa vào quan hệ huyết thống, cha truyền con nối.
Một số triều đại thời Trung Cổ cực kỳ thành công trong việc truyền ngôi. Hugh Capet, người trở thành vua của Franks năm 987, là tổ tiên của các vị vua Pháp, từ năm 987 đến năm 1848 – gần 9 thế kỷ.
Nhưng cũng có không ít các vị vua Trung Cổ, những người rất thành công, lại không thể truyền ngôi cho người nối dõi. Matthias Corvinus, vua của Hungary giai đoạn (1458 - 1490) và là người đóng góp lớn cho nền văn hóa Phục Hưng, không thể đảm bảo thành công việc kế vị của con trai mình.
Điều tương tự xảy ra với John Balliol, vua của Scotland giai đoạn (1292 - 1296). Con trai ông, Edward Balliol, đã nỗ lực giành lại ngai vàng đã mất nhưng không thành.
Tồn tại sinh học
Một triều đại được cho là thành công cần phải có 3 điều. Thứ nhất là đủ khả năng để tự vệ trước các triều đại đối địch. Đây là điều mà John Balliol đã không làm được. Thứ hai là đảm bảo duy trì nòi giống (hay tồn tại sinh học). Cuối cùng là tìm ra cách kiềm chế và kiểm soát sự cạnh tranh trong triều đại.
Nhiều người có thể sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn ở 2 điều cuối. Một vị vua có thể tìm cách đảm bảo triều đại của mình được duy trì bằng việc có nhiều con trai với các phụ nữ khác nhau. Nhiều người nối dõi nhưng ngai vua chỉ có một, và vấn đề tranh giành nảy sinh.
Toirdelbach Ua Conchobair, vua của Connacht (1106 - 1156), có 6 vợ và 22 con trai. Điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh cho ngôi vương vô cùng lớn. Các vị vua của Connacht bị anh em của họ giết hại nhiều hơn là kẻ thù.
Không có nhiều vị vua Trung Cổ có tới 22 con trai. Hầu hết các vị vua Trung Cổ, đặc biệt là trong thời kỳ đầu, chấp nhận khái niệm hôn nhân theo quy định của nhà thờ: một vợ. Do đó, việc lựa chọn vợ cho vua hoặc người thừa kế ngai vàng trở thành vấn đề được quan tâm ở các triều đại, thường liên quan tới việc đính ước sớm ngay từ khi đôi bên chỉ là những đứa trẻ.
Henry, con trai của vua Henry II (Anh), đã được đính ước với Margaret, con gái của vua Pháp, khi mới chỉ là cậu bé 5 tuổi và cô bé 2 tuổi. Đã có những lời chỉ trích ở thời điểm đó về cuộc hôn nhân của "cặp đôi trẻ con", nhưng cuộc hôn nhân này mang lại cho vua Henry II phần lãnh thổ quan trọng ở vùng Norman Vexin, được coi là của hồi môn cho cô dâu.
Một vấn đề gây tranh cãi về hôn nhân của các triều đại là nên lựa chọn cô dâu hoàng gia tới từ nước khác hay thuộc tầng lớp quý tộc địa phương. Cả 2 phương án đều có những ưu và nhược điểm riêng. Mọi thứ được đem ra "mổ xẻ" kỹ lưỡng.
Một tiêu chí của người được chọn làm vợ vua là người đó có thêm em gái, phòng trường hợp không may qua đời, em gái sẽ thay thế.
Phương án kết hôn với một phụ nữ bản địa quý tộc được cho là lựa chọn khả dĩ và có lợi hơn khi tạo ra liên kết giữa hoàng tộc đầy danh tiếng và các quý tộc giàu có. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm đảo lộn sự cân bằng của chính trị quý tộc, như trường hợp của vua Edward IV (Anh). Cuộc hôn nhân của vị vua này với Elizabeth Woodville năm 1464 là lần đầu tiên một nhà vua Anh lấy một phụ nữ bản địa kể từ năm 1066.
Tuy nhiên, việc thăng tiến và làm giàu sau đó của họ hàng hoàng hậu đã khiến nhiều người ủng hộ hoàng tộc không vừa lòng, dẫn đến việc vua Edward IV bị truất ngôi "tạm thời" năm 1470.
Kết hôn với các công chúa ngoại quốc cũng là một cách để tạo ra đồng minh. Bản chất triều đại, chứ không phải cá nhân, bộc lộ rõ nhất khi vị vua lựa chọn hôn thê dựa trên tiềm lực của gia đình vợ sắp cưới. Điều này cũng thể hiện rõ trong các hiệp ước hôn nhân, quy định rằng nếu người được chọn là cô dâu hoàng gia không may qua đời, em gái của người này sẽ thay thế.
Xem xét kỹ khả năng sinh sản
Mục đích của mọi cuộc đính ước hay đàm phán hôn nhân ở thời Trung Cổ đều là để đạt được mục tiêu của một triều đại: Sinh ra một đứa trẻ hay nói chính xác ở thời kỳ này là sinh con trai.
Không thể biết trước được khả năng sinh sản của phụ nữ dù có nhiều nỗ lực để làm điều đó ở thời Trung Cổ. Khi các sứ thần Pháp tới vương quốc Aragon năm 1322 để tìm hiểu về con gái của vương quốc nơi đây, họ đã "kiểm tra" vòng một của công chúa vì thời đó quan niệm đây là vị trí có thể cho thấy khả năng có con của người phụ nữ.
Các gia đình hoàng gia luôn bị ám ảnh bởi việc sinh con trai. Hoàng hậu sau nhiều năm kết hôn mà không có thai, hoặc chỉ sinh ra con gái, thì rất dễ bị phế truất hoặc không được cung phụng. Nhưng cũng có những chuyện dở khóc dở cười về việc này, tiêu biểu phải kể đến trường hợp của vua Louis VII (Pháp) và nữ công tước Eleanor xứ Aquitaine, người được xem là cô dâu danh giá nhất châu Âu thời Trung Cổ. Cuộc hôn nhân 15 năm của cặp đôi này chỉ mang tới kết quả là 2 người con gái. Vua Louis VII sau đó ly hôn với hoàng hậu Eleanor. Hai người con gái của họ vẫn được coi là chính thống và quyền nuôi dưỡng thuộc về vua Louis, trong khi đất đai của Eleanor được phục hồi lại cho bà.
Vài tháng sau, Eleanor cưới Henry xứ Anjou, người sau này trở thành vua Henry II của Anh. Eleanor mang lại cho Henry cả công quốc Aquitaine khổng lồ, vốn là tài sản thừa kế của bà, và sinh hạ cho chồng 8 người con, trong đó có 5 con trai. Câu chuyện này một lần nữa nhấn mạnh vai trò của việc lựa chọn cô dâu hoàng gia trong chính trị.
Cái chết của một vị vua mà không có con trai nối dõi luôn đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng chính trị thời Trung Cổ. Những gì xảy ra ở Aragon năm 1134 chứng minh rất rõ điều này. Năm đó, vua Alfonso, người được mệnh danh là Chiến binh, đã chết trong một cuộc chiến vì vết thương quá nặng. Hơn 30 năm trị vì ở Aragon, vua Alfonso không có con trai nối dõi.
Ông có một người anh trai là Ramiro, một tu sĩ. Vua Alfonso có di nguyện truyền ngôi cho người ngoài. Tuy nhiên, giới quý tộc của Aragon không chấp thuận di nguyện của vị vua quá cố. Họ quyết định thực hiện các bước đặc biệt để duy trì triều đại.
Ramiro được đưa khỏi tu viện và kết hôn với một nữ quý tộc Pháp. Anh trai của vua Alfonso chỉ được phép trở lại cuộc sống hoàng tộc khi vợ sinh hạ một bé gái có tên là Petronilla. Những người nghĩ hành động này là trái với di nguyện của vị vua quá cố cuối cùng cũng hiểu rằng khát vọng của người Aragon là "duy trì dòng dõi hoàng gia".
Petronilla trở thành nữ hoàng của Aragon khi mới một tuổi. Nữ hoàng tí hon này rất cần một người bảo vệ và Petronilla đã đính hôn với bá tước quyền lực nhất của Barcelona thời đó, người hơn nữ hoàng 23 tuổi.
Ở tuổi 15, Petronilla đã mang bầu và chờ sinh tại Barcelona. Cuối cùng, Petronilla sinh ra một bé trai và nhờ đó "dòng giống" hoàng gia của Aragon được duy trì.
Phụ nữ nắm quyền và sự đấu đá của những người thừa kế
Người Aragon sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của một nữ hoàng của gia đình hoàng gia bản địa thay vì những lựa chọn khác. Petronilla không phải là người phụ nữ nắm quyền duy nhất ở châu Âu thời Trung Cổ.
Đã có 3 nữ hoàng cai trị ở Byzantium, dù họ không nắm quyền quá lâu. Vương quốc Leon và Castile, hàng xóm của Aragon, được cai trị bởi nữ hoàng Urraca trong giai đoạn (1109-1126). Theo thống kê, có ít nhất 27 phụ nữ lên nắm quyền tại các vương quốc ở châu Âu thời Trung Cổ.
Trong khi xã hội phụ hệ này thích nam giới cai trị, nữ giới chỉ được lựa chọn lên nắm quyền khi hoàng gia không có nam giới nối dõi.
Trong trường hợp vị vua có nhiều con trai, tức là nhiều người thừa kế, vấn đề tranh chấp sẽ nảy sinh. Những người con thứ được cho là mối đe dọa cho sự đoàn kết của hoàng tộc. Nhiều trường hợp không chấp nhận việc truyền ngôi cho con cả. Vương quốc khổng lồ Frankish thường xuyên rơi vào cảnh bị chia rẽ vào giai đoạn đầu thời Trung Cổ khi những người con của vua tàn sát lẫn nhau để giành quyền lực.
Một số triều đại tìm ra cách để dung hòa bất đồng giữa các con trai của vua, chủ yếu liên quan tới vấn đề quyền lực, như dưới thời vua Louis IX của Pháp. Ba người em của vua Louis IX đã kề vai sát cánh cùng ông thay vì đấu đá tranh giành quyền lực. Bí mật nằm ở chỗ 3 người em này đều được trao quyền để trở thành đại lãnh chúa ở Pháp.
Tuy nhiên, cách này cũng là "con dao hai lưỡi". Các vùng đất và tài sản được chia cho các em trai có thể sẽ không thuộc quyền kiểm soát của nhà vua. Các em trai có thể xây dựng vương quốc riêng của họ, bắt đầu quá trình chia rẽ.
------------------------
Việc dinh thự được nữ hoàng lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng vừa là vinh hạnh của các cận thần nhưng cũng là "ác mộng" với họ. Có người thậm chí còn sợ hãi tới mức không dám ló mặt ra tiếp đón dù phái đoàn hoàng gia đã tới trước cổng.
Vậy điều gì khiến các cận thần phải sợ hãi mỗi khi tiếp đón phái đoàn hoàng gia tới thăm? Bài dài kỳ cuối, được đăng vào 14h ngày 16/2 trên mục Thế giới, sẽ làm rõ điều này.
Nhà Tống được các sử gia sau này đánh giá là triều đại xưa nay hiếm trong lịch sử Trung Hoa, tuy phát triển vượt bậc,...
Nguồn: [Link nguồn]