Quân đội Ukraine đã “lột xác” thế nào trong 8 năm qua?

Từ bị đánh giá là yếu kém đến mức “không còn là lực lượng chiến đấu”, quân đội Ukraine đã từng bước được vực dậy.

Binh sĩ Ukraine trên xe bọc thép (ảnh: CNN)

Binh sĩ Ukraine trên xe bọc thép (ảnh: CNN)

1. Cuộc khủng hoảng của quân đội Ukraine

The Conversation (trang tin phân tích an ninh, chính trị toàn cầu có trụ sở tại Úc) cho rằng, từ năm 1991 đến năm 2014, quân đội Ukraine ngày càng bị thu hẹp và không được đầu tư đúng mức.

Năm 1991, lực lượng vũ trang Ukraine có khoảng 800.000 thành viên cùng hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép. Nước này cũng sở hữu khoảng 2.500 vũ khí hạt nhân cùng không quân với hàng trăm máy bay quân sự. Năm 1993, Ukraine trao trả vũ khí hạt nhân cho Nga. Kể từ thời điểm này, quân đội Ukraine gần như “xuống dốc không phanh”.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau khi rút khỏi Liên Xô, Ukraine buộc phải cắt giảm ngân sách và quy mô quân đội, đặc biệt là lực lượng không quân. Kết quả là đến năm 2014, quân đội Ukraine chỉ còn khoảng 130.000 binh sĩ thuộc biên chế, theo The Conversation. Trong số này, chỉ có khoảng 7.000 binh sĩ Ukraine thuộc 3 lữ đoàn tinh nhuệ số 25, 93 và 95 là sẵn sàng nhận lệnh từ Kiev và đủ khả năng chiến đấu.

Sự yếu kém của quân đội Ukraine bị tình báo Nga nắm được. Kết quả là bán đảo Crimea bị Nga kiểm soát một cách chóng vánh và Moscow đã tính toán đúng khi phương Tây không hề can thiệp.

“Quân đội Ukraine khi đó đã yếu đuối đến mức không dám chống chọi với Nga”, Pavlo Dolynskiy – cựu quân nhân Ukraine – nhận xét.

Victor Muzhenko – cựu tướng quân đội Ukraine – nhận định, tình trạng quân đội nước này vào năm 2014 là “đổ nát theo đúng nghĩa đen”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko – người có công lớn trong việc cải cách quân đội (ảnh : TASS)

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko – người có công lớn trong việc cải cách quân đội (ảnh : TASS)

Chưa kịp vực dậy tinh thần binh sĩ và xử lý tình trạng tham nhũng, gián điệp trong quân đội, Kiev đã phải bước vào cuộc chiến dai dẳng ở Donbass. Ước tính, từ năm 2014 – 2021, khoảng 14.000 người ở miền đông Ukraine đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh.

“Trước khi có những cải cách quan trọng, quân đội Ukraine dường như không tồn tại và chỉ nằm trên giấy. Họ đánh mất khả năng chiến đấu”, Victor Muzhenko – chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ukraine – nhận xét.

2. Hành trình thay đổi

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tiến hành rà soát an ninh quốc phòng diện rộng. Nhiều vấn đề dẫn đến yếu kém trong lực lượng vũ trang đã được nhìn nhận một cách thẳng thắn.

Theo Foreignpolicy, các vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sức chiến đấu của quân đội Ukraine được xác định bao gồm, khả năng tác chiến suy giảm, không đối phó nổi tấn công mạng, tham nhũng tràn lan, chậm trả lương và hàng loạt vấn đề về hậu cần, y tế. Nhiều chỉ huy Ukraine cũng bị đánh giá là thân Nga và làm việc kém hiệu quả.

Để khắc phục các thiếu sót, năm 2016, ông Poroshenko chỉ đạo quân đội nước này thực hiện cải cách sâu rộng, khắc phục yếu kém trên nhiều lĩnh vực và đặt thời hạn hoàn thành mục tiêu trong 4 năm.

Hiện tại, mặc dù sức mạnh chưa được nâng cao một cách triệt để, nhưng khả năng tác chiến của quân đội Ukraine đã được cải thiện đáng kể nếu so với năm 2014. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine cũng tăng lên, theo The Conversation.

Một trong những thay đổi quan trọng trong tư duy quân sự của Ukraine là loại bỏ lối làm việc quan liêu và cho phép các sĩ quan cấp dưới tự do hơn khi đưa ra các quyết định trên chiến trường.

Trước năm 2016, các sĩ quan cấp dưới của Ukraine thường phải xin chỉ thị cấp trên trước khi muốn hành động. Họ làm theo mệnh lệnh một cách máy móc, bất kể cục diện chiến trường có còn phù hợp hay không.

Binh sĩ Ukraine vác tên lửa Javelin phương Tây viện trợ (ảnh : CNN)

Binh sĩ Ukraine vác tên lửa Javelin phương Tây viện trợ (ảnh : CNN)

Viện trợ quân sự từ phương Tây, đặc biệt từ Mỹ, cũng là yếu tố quan trọng giúp Ukraine nâng cấp quân đội. Năm 2014, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama đã hỗ trợ Ukraine 291 triệu USD để hiện đại hóa quân đội. Đến cuối năm 2021, Mỹ gửi cho Kiev tổng cộng 2,1 tỷ USD viện trợ quân sự.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt (ngày 24/2), Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 15 tỷ USD cho Ukraine. Trong số viện trợ của Mỹ, có các loại vũ khí hạng nặng mà Ukraine chưa từng sở hữu như lựu pháo M777, hệ thống tên lửa cơ động hạng nhẹ HIMARS, pháo phản lực phóng loạt MLRS 270… Ngoài viện trợ quân sự, Mỹ và các đồng minh cũng giúp Ukraine đào tạo quân đội theo tiêu chuẩn NATO.

Năm 2021, ngân sách quốc phòng của Ukraine là khoảng 4,2 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đó. Kiev cũng nỗ lực giải quyết tình trạng tham nhũng trong quân đội và loại những chỉ huy có tư tưởng bất tuân.

Yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất giúp Ukraine nâng cấp lực lượng đó là “văn hóa tình nguyện quân sự” xuất hiện rộng rãi trong toàn dân.

Đối mặt với sức ép quân sự từ Nga, chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky đã vận động người dân tham gia các khóa đào tạo quân sự ngắn hạn, mua sắm súng và sẵn sàng ghi danh vào lực lượng tình nguyện. Quân tình nguyện là lực lượng quan trọng giúp Kiev cầm cự trước Nga trong tuần đầu xung đột.

Đầu tháng 2, ông Zelensky ký sắc lệnh, bổ sung thêm 100.000 binh sĩ cho quân đội Ukraine trong vòng 3 năm. Biên chế quân đội Ukraine sẽ được tăng lên khoảng 360.000 người nhờ sắc lệnh này.

Trước đó, ngày 1/1/2022, Kiev cũng thông qua luật thành lập Lực lượng Vệ binh Ukraine trực thuộc quân đội. Lực lượng này được cho là cách Kiev tập hợp và đưa các tiểu đoàn quân sự chiến đấu tự phát vào khuôn khổ. Tiểu đoàn Azov – nhóm chiến binh bị Nga coi là “khủng bố” – nằm trong Lực lượng Vệ binh Ukraine.

Theo Foreignpolicy, sau nhiều nỗ lực cải cách, quân đội Ukraine đã có những thay đổi đáng kể, nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu.

Hải quân và không quân Ukraine gần như không hề có đóng góp nào trong xung đột với Nga. Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội (CRS) Mỹ chỉ ra rằng, Ukraine đã mất khoảng 70% tàu chiến khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Khi Nga điều tàu chiến phong tỏa vùng biển phía nam, hải quân Ukraine dường như không kháng cự mà xử lý tình hình bằng cách tiêu cực như tự đánh đắm chiếm hạm.

Ngoài ra, Ukraine cũng chưa sở hữu hệ thống phòng không nào được cho là tối tân. Các hệ thống phòng không S-300 Ukraine có từ thời Liên Xô được cho là không có nhiều hiệu quả khi đánh chặn tên lửa Nga. Trong xung đột, quân đội Nga tuyên bố đã phá hủy gần như toàn bộ các hệ thống S-300 của Ukraine

Quân đội Ukraine trong xung đột với Nga (ảnh : AP)

Quân đội Ukraine trong xung đột với Nga (ảnh : AP)

Tạp chí quân sự Janes (Anh) cũng chỉ ra rằng, tình trạng tham nhũng và gián điệp trong quân đội Ukraine vẫn còn đáng báo động. Việc Ukraine để Nga kiểm soát tỉnh chiến lược Kherson mà gần như không có sự kháng cự nào được cho là “lời cảnh tỉnh” nghiêm khắc đối với Kiev.

Hôm 22/9, Fedir Venislavskyi – Ủy viên Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraine – nói trong cuộc họp báo rằng, Nga cài nhiều đặc vụ trong các cơ quan an ninh, quốc phòng của Ukraine. Điều này giúp Nga có thể biết trước các động thái của lực lượng Ukraine trên chiến trường.

“Chúng tôi không thể đánh giá thấp Nga. Thật không may, cơ quan tình báo của họ cài cắm rất nhiều điệp viên, kể cả trong các cơ quan an ninh – quốc phòng của chúng tôi. Nhờ đó, Nga có thể phần nào nắm được những bước đi tiếp theo của lực lượng Ukraine”, ông Venislavskyi nói và khẳng định rằng Kiev sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chống tình báo Nga trong quân đội.

Tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky sau khi quân đội kiểm soát Lyman

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 1/10 tuyên bố quân đội nước này sẽ giành thêm nhiều vùng lãnh thổ hiện do các lực lượng Nga kiểm soát ở vùng Donbass.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN