Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biên giới với Myanmar: Chuyên gia nói gì?

Theo các chuyên gia, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới với Myanmar nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó tình huống khẩn cấp, đồng thời gửi thông điệp răn đe.

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: China Daily

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: China Daily

Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam, thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 25/11 tuyên bố sẽ thực hiện một loạt cuộc tập trận và huấn luyện chiến đấu thực tế dọc theo khu vực biên giới với Myanmar, nhằm kiểm tra khả năng cơ động nhanh cũng như khả năng phong tỏa biên giới và hỏa lực của các đơn vị quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam.

"Theo kế hoạch huấn luyện hàng năm, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã tổ chức cho các đơn vị tập trận bắn đạn thật bắt đầu từ ngày 25/11 ở phần lãnh thổ Trung Quốc, dọc theo biên giới với Myanmar", Tian Junli, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam, nói.

Nhật báo Quân giải phóng nhân dân (PLA Daily) – cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc – ngày 26/11 đăng bài bình luận viết rằng: "Gần đây, vì nhiều nguyên nhân, xung đột quân sự đã nổ ra tại nhiều khu vực ở miền bắc Myanmar, gây thương vong và khiến tình hình an ninh trở nên nghiêm trọng".

PLA Daily cho rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật và huấn luyện sẽ tăng cường hơn nữa nhận thức về khủng hoảng và nâng cao ý thức trách nhiệm của các sĩ quan, binh sĩ. Đồng thời, giúp nâng cao toàn diện khả năng quản lý cũng như kiểm soát khu vực biên giới.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 25/11 rằng: "Xung đột kéo dài ở Myanmar là mối đe dọa dai dẳng với an ninh biên giới Trung Quốc. Căn cứ vào tình hình ngày càng phức tạp ở Myanmar, việc quân đội Trung Quốc thực hiện các hành động cần thiết để đối phó với tình huống khẩn cấp hoặc khả năng leo thang xung đột là hợp lý".

Theo Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, việc quân đội Trung Quốc tập trận ở biên giới với Myanmar là hành động nhằm đối phó với tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới. Đây không phải là lần đầu tiên PLA làm vậy và họ sẽ tuân thủ nguyên tắc không can thiệp, theo Hoàn cầu.

Zhu Zhenming, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam, ngày 26/11 nói, cuộc tập trận sẽ trấn an người dân ở phía biên giới của Trung Quốc. Cuộc tập trận cũng là thông điệp gửi tới tất cả các bên trong xung đột ở Myanmar, rằng họ nên tránh gây tổn hại đến an ninh biên giới cũng như sự an toàn của cộng đồng người Trung Quốc ở gần khu vực biên giới 2 nước.

Các bên xung đột ở Myanmar đều không muốn thấy một sự cố có thể gây tổn hại đến an ninh biên giới hoặc thương vong cho người Trung Quốc. Nhưng nếu xung đột bùng phát sát biên giới, bom hoặc đạn pháo có thể bị bắn qua biên giới, gây thiệt hại cho Trung Quốc. Các chuyên gia còn cho rằng, làn sóng người tị nạn là một thách thức lớn khác.

Wei Dongxu, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cuối tuần trước nói, các cuộc tập trận về khả năng cơ động nhanh, kiểm soát hoặc phong tỏa biên giới cho thấy PLA có thể triển khai quân với tốc độ nhanh, đồng thời kiểm soát biên giới hiệu quả trong tình huống khẩn cấp.

Ông Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, cho rằng, các cuộc tập trận bắn đạn thật của PLA ở biên giới với Myanmar chủ yếu mang tính phòng thủ, giúp kiểm tra khả năng phòng không của Trung Quốc trong việc ngăn chiến đấu cơ, bom hay tên lửa trong bối cảnh xung đột vũ trang diễn biến phức tạp ở Myanmar.

Một số chuyên gia quân sự khác đồng quan điểm rằng, các cuộc tập trận bắn đạn thật có thể bao gồm bắn pháo. Đây được xem là động thái nhằm cảnh báo các bên liên quan xung đột ở Myanmar nên tránh xa lãnh thổ Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhóm nổi dậy Myanmar chiếm được cửa khẩu nối sang Trung Quốc

Một nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở Myanmar đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới nối với Trung Quốc, báo chí địa phương và một nguồn tin an ninh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN