Quân đội Nhật xin thêm tiền làm tên lửa ngăn Trung Quốc
Dự kiến một phần trong số tiền kỉ lục 50 tỉ USD sẽ viện trợ cho Việt Nam nhằm phòng vệ tốt hơn trên Biển Đông.
Người ủng hộ chính phủ có mặt ở đảo Senkaku.
Hôm nay (31.8) , Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đệ đơn yêu cầu một khoản ngân sách kỉ lục nhằm hỗ trợ chương trình phát triển tên lửa chống hạm của nước này. Mục đích là tạo ra một loại vũ khí mới đủ sức bảo vệ chuỗi đảo Senkaku trước tranh chấp ngày một leo thang với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang hy vọng có được số tiền trên 5.170 tỉ yên (khoảng 50 tỉ USD) nhằm chi tiêu cho năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4.2017. Ngân sách này sẽ đội lên 2,3% so với dự thảo ban đầu.
Nếu Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe chấp thuận, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp chính phủ Nhật Bản đạt kỉ lục chi tiêu ngân sách quốc phòng. Bối cảnh khu vực căng thẳng khiến động thái của Nhật Bản ngày một cứng rắn hơn.
Dàn tên lửa Patriot đặt ở Tokyo.
Số tiền 50 tỉ USD dự kiến chi ra nhằm phát triển tên lửa đất-đối-hạm và tên lửa không-đối-hạm cho máy bay tuần tra.
Tên lửa đất-đối-hạm đời mới dự kiến có tầm bay 300 km, đủ sức bảo vệ chuỗi đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối thông tin về tầm bắn của tên lửa này.
Tokyo hiện nay rất cương quyết bảo vệ chủ quyền chuỗi đảo Senkaku không người sinh sống ở khu vực biển Hoa Đông. Năm 2012 , Nhật Bản quốc hữu hóa đảo này và vấp phải sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng Bắc Kinh phải ngừng ngay các hoạt động xâm nhập chủ quyền trái phép trên biển Hoa Đông.
Lời cảnh báo trên xuất hiện sau khi Tokyo từng hơn 20 lần gửi công hàm phản đối tàu cá Trung Quốc tới gần vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản. Trung Quốc luôn coi chuỗi đảo này thuộc chủ quyền của mình nên không thừa nhận hành động vi phạm.
Nhật Bản cũng lên kế hoạch thành lập một đơn vị đổ bộ cơ động khoảng 2.000 lính đồn trú ở tỉnh Nagasaki. Một phần của ngân sách 50 tỉ USD dự kiến sẽ cung cấp cho Philippines và Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động tuần tra, bảo vệ biển đảo.
Nhật Bản đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Philippines và nhiều quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.
Ngoài ra, hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Nhật Bản dự kiến sẽ giúp bảo vệ nước này tốt hơn trước những đe dọa từ phía Bình Nhưỡng.