Quân đội Myanmar bị chỉ trích vì bắn người biểu tình

Mỹ, Anh và Pháp đều lên tiếng chỉ trích việc lực lượng an ninh Myanmar dùng đạn thật để trấn áp biểu tình tại TP Mandalay trong ngày 20-2.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 21-2 tuyên bố nước này "quan ngại sâu sắc" trước thông tin về việc lực lượng an ninh Myanmar bắn, tiếp tục đàn áp và giam giữ người biểu tình. Ông Price viết trên Twitter: "Chúng tôi đứng về phía người dân Myanmar".

Trước đó, hôm 19-2, ông Price nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ đối với quân đội Myanmar "kiềm chế bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa". Ông Price nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để gây sức ép, buộc quân đội Myanmar phải đảo ngược các hành động của mình".

Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đều đã công bố một số lệnh trừng phạt giới hạn kể từ sau vụ việc ngày 1-2, chủ yếu nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar.

Cảnh sát và binh lính tại TP Mandalay ngày 20-2. Ảnh: Reuters

Cảnh sát và binh lính tại TP Mandalay ngày 20-2. Ảnh: Reuters

Anh tuyên bố sẽ cân nhắc các biện pháp mới nhắm đến các đối tượng sử dụng bạo lực đối với người biểu tình.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab viết trên Twitter: "Việc bắn vào người biểu tình ôn hòa tại Myanmar là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ cân nhắc các biện pháp mới để chống lại các đối tượng phá hoại nền dân chủ và bóp nghẹt quan điểm bất đồng".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ trích tình hình bạo lực tại Myanmar là "không thể chấp nhận được".

Nhân viên cấp cứu cho biết 2 người thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương vào ngày 20-2 tại TP Mandalay khi cảnh sát và các binh sĩ Myanmar bắn về phía người biểu tình.

Theo hãng tin Reuters, đây là ngày biểu tình đẫm máu nhất trong hơn 2 tuần biểu tình nổ ra tại Myanmar, sau khi quân đội nước này giành quyền kiểm soát và bắt giam các quan chức chính quyền dân sự. Một nhóm giám sát nhân quyền hôm 20-2 cho biết 569 người bị bắt, buộc tội hoặc kết án liên quan đến cuộc đảo chính.

Người biểu tình đã xuống đường tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar, đòi quân đội trao trả lại quyền lực và thả nữ cố vấn cấp cao Aung San Suu Kyi. Căng thẳng leo thang tại TP Mandalay khi lực lượng an ninh đụng độ với người biểu tình.

Một số người biểu tình bắn ná cao su vào cảnh sát. Nhiều nhân chứng cho biết phía an ninh dùng hơi cay và súng để đáp trả. Họ nói nhìn thấy cả hộp đạn và vỏ đạn thật lẫn đạn cao su trên nền đất.

Một người đàn ông bị thương ở Mandalay vào ngày 20-2. Ảnh: Reuters

Một người đàn ông bị thương ở Mandalay vào ngày 20-2. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố hôm 20-2, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết việc sử dụng vũ khí sát thương chống lại dân thường không có vũ khí trong các cuộc biểu tình là điều không thể dung thứ. Bộ Ngoại giao Singapore rất lo lắng trước các báo cáo về thương vong dân sự sau khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực sát thương chống lại người biểu tình.

"Các nhà chức trách phải ngăn chặn bạo lực và đổ máu thêm nữa. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, sẽ có những hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho Myanmar và khu vực" – Bộ Ngoại giao Myanmar nhấn mạnh.

Cảnh sát Myanmar bắt giữ nam diễn viên nổi tiếng Lu Min vài giờ sau khi cảnh sát nổ súng giải tán đám đông biểu tình ngày 20-2 ở Mandalay, khiến 2 người thiệt mạng. Vợ nam diễn viên cho biết trong một video đăng trên Facebook rằng cảnh sát đến nhà ở Yangon và đưa anh ta đi. Tuy nhiên, người vợ không biết Lu Min bị đưa đi đâu.

Diễn viên Lu Min nằm trong số 6 người nổi tiếng bao gồm đạo diễn phim, diễn viên, ca sĩ bị truy nã theo luật chống kích động vì khuyến khích công chức tham gia biểu tình. Lu Min đã tham gia một số cuộc biểu tình ở TP Yangon. Theo Reuters, nam diễn viên này có thể phải chịu bản án 2 năm tù. Người phát ngôn quân đội Myanmar - Chuẩn tướng Zaw Min Tun - không phản hồi gì về thông tin vừa nêu.

Myanmar: Cảnh sát xả đạn, 2 người biểu tình mất mạng

2 người biểu tình đã thiệt mạng ở Mandalay – thành phố lớn thứ hai Myanmar – sau khi cảnh sát xả đạn để giải tán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Bình ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN