Quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước có thực sự là đảo chính?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng yêu cầu quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực ngay lập tức, nhưng ông Biden tránh nhắc đến cụm từ “đảo chính”.
Lực lượng an ninh Myanmar hiện diện thường trực trên đường phố sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát.
Các quan chức giấu tên nói trên báo Mỹ Politico và đài CNN, rằng chính quyền Biden vẫn đang thảo luận về việc quân đội Myanmar bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, kiểm soát đất nước có phải là đảo chính hay không.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói trên tờ Forbes: “Các sự kiện diễn ra ở Myanmar ngày 1.2 rõ ràng là đảo chính, nhưng Bộ Ngoại giao vẫn đang phân tích thêm. Chúng tôi đang chờ kết quả phân tích rồi mới đưa ra tuyên bố chính thức”.
Việc chính quyền Biden cân nhắc kỹ trước khi nhắc đến từ “đảo chính”, không chỉ đơn thuần là cách lựa chọn từ ngữ. Đó là vì theo luật liên bang, chính quyền Mỹ phải chấm dứt hỗ trợ kinh tế, viện trợ cho các quốc gia có quân đội lật đổ chính quyền dân sự.
Trong tuyên bố ngày 1.2, ông Biden không nhắc đến từ “đảo chính” mà nói rằng quân đội Myanmar đang “chiếm quyền lực”, “tấn công nền dân chủ” và cảnh báo sẽ khôi phục các lệnh cấm vận quốc gia này.
216,4 triệu USD là khoản viện trợ Mỹ chi cho Myanmar trong năm 2019, theo số liệu thống kê chính thức vào năm 2020.
Chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump cắt một số khoản viện trợ cho Myanmar vì cáo buộc quân đội đàn áp người thiểu số Rohingya. Nhưng Mỹ vẫn chi tiền giúp Myanmar phát triển kinh tế.
Nếu quân đội Myanmar bị coi là thực hiện đảo chính, các khoản viện trợ trên sẽ bị Mỹ cắt hoàn toàn.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đối diện với vấn đề tương tự vào năm 2013, khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Bất chấp lời khuyên từ các chuyên gia, ông Obama không coi đây là cuộc đảo chính.
Kết quả là Ai Cập vẫn nhận được khoản hỗ trợ khổng lồ từ Mỹ, chỉ xếp sau khoản tiền Mỹ chi cho Israel. Ông Obama có đóng băng một số khoản viện trợ quân sự cho Ai Cập, nhưng sau đó đã dỡ bỏ hạn chế.
Một số nhà lãnh đạo trên thế giới ngày 1.2, cho rằng quân đội Myanmar đã đảo chính, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson. Nhưng các đồng minh khác của Mỹ như Canada, Nhật Bản, Úc chưa dùng từ “đảo chính” trong tuyên bố chính thức.
Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Myanmar, cũng tránh nhắc đến cụm từ “đảo chính”. Trung Quốc còn khẳng định nước này có mối quan hệ tốt đẹp với cả quân đội Myanmar lẫn chính quyền dân sự của bà Aung San Yuu Kyi.
Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc là láng giềng với Myanmar. Chúng tôi hi vọng các bên ở Myanmar có thể giải quyết vấn đề theo Hiến pháp, đảm bảo ổn định chính trị và xã hội”.
Trước đó, các nhà phân tích chỉ ra việc quân đội Myanmar chiếm quyền kiểm soát đất nước không hề vi phạm Hiến pháp. Đó là do Hiến pháp sủa đổi năm 2008 của Myanmar vẫn trao quyền lực rất lớn cho quân đội.
Bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tránh nhắc đến cụm từ “đảo chính”.
Hoàn Cầu cho rằng, quân đội Myanmar đang “điều chỉnh” cán cân quyền lực vì cơ cấu quyền lực ở Myanmar vẫn còn tiềm ẩn bất ổn.
Theo Hoàn Cầu, quân đội và phe đối lập ở Myanmar chiếm 1/3 số ghế trong Quốc hội. Nhưng cuộc bầu cử tháng 11.2020 càng khiến cho vị thế chính trị của phe đối lập và quân đội suy giảm, khi đảng cầm quyền NLD của bà Aung San Yuu Kyi giành chiến thắng vang dội.
Quân đội Myanmar và Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) có lý do để cảm thấy lợi ích đang bị đe dọa. Quân đội Myanmar nhận ra việc duy trì quyền lực thông qua bầu cử là rất khó, Hoàn Cầu viết.
“Hành động của quân đội Myanmar, có thể được xem là sự điều chỉnh cán cân quyền lực ở quốc gia này”, một chuyên gia nói trên tờ Hoàn Cầu.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1.2 nhấn mạnh rằng quân đội Myanmar cần từ bỏ quyền lực họ nắm giữ và cảnh báo ông sẽ...