Quân đội Mỹ phát triển khinh khí cầu đối phó vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, Nga
Quân đội Mỹ có kế hoạch bổ sung khinh khí cầu vào mạng lưới giám sát nhằm đối phó vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga.
Tờ Politico ngày 5-7 đưa tin quân đội Mỹ có kế hoạch đối phó vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga bằng khinh khí cầu.
Khinh khí cầu, có thể bay ở độ cao từ 18 km đến 27 km, sẽ được bổ sung vào mạng lưới giám sát rộng lớn của Lầu Năm Góc và có thể được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu thanh.
Quân đội Mỹ phát triển khinh khí cầu đối phó vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, Nga. Ảnh: AP
Trong hai năm qua, Lầu Năm Góc đã chi khoảng 3,8 triệu USD cho dự án phát triển khinh khí cầu.
Trong năm tài chính 2023, cơ quan này có kế hoạch phân bổ 27,1 triệu USD cho chương trình này.
Những quả khinh khí cầu sẽ di chuyển với sự hỗ trợ của các thuật toán trí tuệ nhân tạo, được cho là sẽ hỗ trợ các vệ tinh trong việc theo dõi tên lửa.
“Các phương tiện ở độ cao lớn hoặc rất cao có nhiều lợi thế về thời gian tuần tra, khả năng cơ động và tính linh hoạt" - ông Tom Karako, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay.
Nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử nghiệm khinh khí cầu và máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời để thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin liên lạc cho lực lượng mặt đất và giảm thiểu các vấn đề về sử dụng vệ tinh.
Theo Politico, ý tưởng này nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng, nhưng hồ sơ ngân sách của Lầu Năm Góc cho thấy công nghệ này đang chuyển từ lĩnh vực khoa học của Bộ Quốc phòng sang phục vụ quân đội.
Quân đội Mỹ đang thực hiện chương trình phát triển khinh khí cầu trinh sát mang tên COLD STAR.
Lầu Năm Góc đang thử nghiệm kết hợp khinh khí cầu và vệ tinh thương mại trong chiến đấu, cũng như với máy bay không người lái để theo dõi các mục tiêu di chuyển trên mặt đất, hay cung cấp thông tin liên lạc và đánh chặn tín hiệu điện tử.
Theo Politico, khinh khí cầu có thể giúp Mỹ theo dõi và ngăn chặn vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chuyến bay thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh tại quần đảo Hawaii ngày 29-6 đã kết thúc thất bại do “có sự cố trong quá trình đánh lửa”.
Hồi tháng 8, Trung Quốc đã khiến Lầu Năm Góc bất ngờ khi thử một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay chệch mục tiêu trong gang tấc khoảng 32 km.
Nhằm đối phó việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo vào năm 2002, Nga đã tăng cường phát triển vũ khí siêu thanh. Chính phủ Nga hồi tháng 3 tuyên bố đã phóng một tên lửa siêu thanh nhằm vào Ukraine, lần đầu tiên Moscow sử dụng loại vũ khí này trong chiến đấu.
Thủy quân lục chiến Mỹ đang thành lập các trung đoàn chiến đấu ven bờ mới để thách thức các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông.
Nguồn: [Link nguồn]