Quân đội Đức nêu lý do "không vui" khi gửi siêu tăng Leopard 2 cho Ukraine

Ông Boris Pistorius – Bộ trưởng Quốc phòng Đức – cho hay, quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine đã gây chia rẽ trong nước Đức.

Ông Boris Pistorius – Bộ trưởng Quốc phòng Đức (ảnh: Reuters)

Ông Boris Pistorius – Bộ trưởng Quốc phòng Đức (ảnh: Reuters)

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo giới hôm 26/1 tại căn cứ quân sự thuộc bang Sachsen Anhalt (Đức), Pistorius cho biết, ông không hiểu nổi những người ăn mừng khi Berlin quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine đang nghĩ gì.

Theo ông Pistorius, không có gì đáng vui khi trước mắt là một cuộc xung đột.

“Đây là một quyết định rất khó khăn”, ông Pistorius nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho hay, gửi xe tăng cho Ukraine là một vấn đề hiếm hoi gây ra sự chia rẽ trong xã hội Đức và ông “hoàn toàn thông cảm” với những người lo ngại khi xe tăng nước này lăn bánh ở “vùng có chiến sự”.

“Tôi không mấy hiểu những người sẵn sàng hét lên ‘Hallelujah’ (cụm từ mang hàm ý khen ngợi, vui mừng) khi xe tăng được gửi đi. Không có lý do gì để vui mừng. Chúng ta đang nói tới một cuộc chiến và chẳng có gì dễ chịu về nó cả”, ông Pistorius nói.

Bình luận của ông Pistorius được đưa ra trong bối cảnh Đức tuyên bố có thể gửi một đại đội xe tăng cho Ukraine vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Số xe tăng này được Đức rút trực tiếp từ kho vũ khí trong nước. 

Theo Reuters, hơn 80 năm sau khi Đức xâm lược nước Nga Xô viết và Ukraine trong Thế chiến II, một số ý kiến ở Đức đã phản đối kế hoạch gửi xe tăng tới Ukraine. Ông Sergei Nechayev – Đại sứ Nga tại Berlin – cũng cho rằng, việc Berlin gửi xe tăng tới Ukraine là hành động phủ nhận “trách nhiệm lịch sử” của Đức trong Thế chiến II.

Phát biểu hôm 26/1, ông Pistorius cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng Berlin đã mất quá nhiều thời gian để quyết định gửi xe tăng cho Ukraine.

“Chúng tôi không ngần ngại. Chúng tôi đã thảo luận với các đồng minh. Chúng tôi bàn bạc về những điều tốt nhất cần làm vào lúc này”, ông Pistorius nói, nhấn mạnh rằng viện trợ xe tăng Ukraine liên quan đến “tình hình xung đột” và “vấn đề niềm tin”.

“Tôi cho rằng tất cả nên hài lòng vì chúng tôi đã làm những gì cần thiết”, ông Pistorius nói thêm.

Xe tăng Ukraine nã đạn ở Bakhmut (ảnh: CNN)

Xe tăng Ukraine nã đạn ở Bakhmut (ảnh: CNN)

Trước đó, hôm 25/1, Mỹ cũng tuyên bố gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Nga chỉ trích động thái mới của Mỹ, Đức và cho rằng NATO đang “can dự trực tiếp” vào xung đột ở Ukraine. Moscow đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Phát biểu hôm 26/1, sau vụ tập kích tên lửa mới của quân đội Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi phương Tây đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí.

“Hành động của Nga chỉ có thể và cần bị ngăn chặn bằng vũ khí phù hợp. Vũ khí trên chiến trường. Vũ khí bảo vệ bầu trời của chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Về tình hình mặt trận Donbass, ông Zelensky cho hay, lực lượng Ukraine đang gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi cần một chiến dịch mới. Chúng tôi cần bảo đảm lực lượng mặt đất có thể thắng Nga. Bất kể đối phương đang lên kế hoạch gì, chúng tôi cũng cần chuẩn bị tốt hơn”, ông Zelensky nói và cho rằng, nếu để thua ở Donbass thì tiềm lực quân sự của Nga sẽ suy giảm.

Pavlo Kyrylenko – Thống đốc Ukraine tại Donetsk – cho hay, quân đội Nga đang tấn công dữ dội vào 2 thị trấn Avdiivka và Vuhledar gần thành phố Bakhmut.

“Đối phương nã pháo vào Vuhledar nhiều lần trong ngày. Avdiivka cũng đang rất nóng. Giao tranh leo thang trên toàn bộ chiến tuyến”, CNN dẫn lời ông Kyrylenko.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine tuyên bố bắn hạ 47 tên lửa Nga

Chính quyền Kiev cho hay, đợt tập kích tên lửa mới của quân đội Nga gây cắt điện khẩn cấp cục bộ và đã có thương vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RT, CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN