Quân cờ nào giúp Trung Quốc 'quyết đấu đến cùng'?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mức thuế quan 104% hoặc cao hơn nữa có thể không còn nhiều ý nghĩa với Trung Quốc, trong khi Mỹ khả năng không chịu nổi lạm phát của chính mình, theo chuyên gia.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang nhanh chóng. Hai ngày qua, các quan chức Trung Quốc liên tục nói sẽ "chiến đấu đến cùng", sau khi bị áp thuế nhập khẩu 10%, thuế đối ứng 34% (hôm 2/4) rồi thuế bổ sung 50% (hôm 8/4), nâng tổng cộng mức thuế lên 104%.

Chuyên gia William Reinsch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả hai nền kinh tế như đang chơi đấu vật. "Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến môn sumo - hai gã khổng lồ cố gắng quật đối phương ra khỏi sàn đấu", ông nhận xét.

Chuyên gia ví thương chiến giữa hai nền kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như vật sumo. Minh họa: Phiên An

Chuyên gia ví thương chiến giữa hai nền kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như vật sumo. Minh họa: Phiên An

Theo Economist, gần như không còn rào cản nào ngăn được sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù ý định thực sự của ông Trump khi khơi mào cuộc đối đầu thương mại lớn nhất trong lịch sử hiện đại vẫn chưa rõ ràng, ông dường như không còn mặn mà với việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc

Bà Wendy Cutler, cựu Phó đại diện thương mại Mỹ nói ý định leo thang của ông Trump là rõ ràng. "Triển vọng về một giải pháp đàm phán trong nhiệm kỳ hai của ông Trump có vẻ phức tạp hơn nhiều khi từng ngày trôi qua", bà nói.

Thái độ của Bắc Kinh cũng khác xưa. Trước đây, các biện pháp áp thuế của ông Trump thường gặp phản ứng nhanh nhưng kiềm chế từ Trung Quốc. Họ muốn thể hiện rằng không dễ bị bắt nạt, bằng cách "ra đòn chọn lọc" để hạn chế tự gây tổn hại và tránh leo thang, chừa "đường lui" cho thương lượng hơn khi thời cơ đến.

Tuy nhiên, hiện dường như Bắc Kinh cũng không nhiều hy vọng cho kịch bản đàm phán. Giáo sư Dennis Wilder, giảng viên Trường Dịch vụ Đối ngoại Walsh, thành viên cấp cao Sáng kiến Đối thoại Mỹ-Trung Quốc về các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói "một cuộc chiến thương mại thực sự" đã trước mắt vì ông Tập và ông Trump đã cảm thấy uy quyền bị thách thức công khai.

"Cả hai nhà lãnh đạo đều thấy vị thế đang bị đối phương thách thức công khai và không muốn bị xem là lùi bước trước những gì họ coi là thách thức với quyền uy của mình," Giáo sư Wilder nhận định.

Lý do Trung Quốc thay đổi chiến lược trong cách đối đầu có thể do giới lãnh đạo nước này cảm thấy có thể thắng trong thương chiến, theo giới chuyên gia.

Đầu tiên, theo Economist, giới chức Trung Quốc có thể tin rằng nước Mỹ sẽ không thể chịu nổi lạm phát, thứ sẽ kích hoạt và gia tăng sự bất mãn với thuế quan của ông Trump. Nghĩa là, thay vì "chiến đấu đến cùng", Bắc Kinh có thể chỉ cần cầm cự cho đến khi giá tiêu dùng tại Mỹ bắt đầu tăng hoặc thị trường việc làm suy yếu.

Các cố vấn cấp cao, nhà nghiên cứu chính phủ và chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là cách dễ nhất để buộc ông Trump quay lại bàn đàm phán. Một số người còn đề xuất tìm cách làm trầm trọng thêm tình hình, chẳng hạn như tăng giá trị đồng nhân dân tệ, khiến hàng bán qua Mỹ đắt hơn nữa.

Nhưng đây sẽ là một canh bạc lớn. Bởi đến khi lạm phát ở Mỹ thực sự tăng lên, thì công nghiệp và chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng đã hứng chịu tổn thất. Do đó, Trung Quốc chọn chiến thuật an toàn hơn là hạ giá đồng nhân dân tệ tham chiếu so với USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023 để giảm tác động cho các cú sốc sắp tới.

Thứ hai, Trung Quốc không thấy lo lắng thêm đáng kể khi ông Trump bổ sung 50% thuế vì "tác động kinh tế cận biên" ngày càng giảm. Dan Wang, Giám đốc Trung Quốc tại Eurasia Group chỉ ra rằng biên lợi nhuận cho ngành xuất khẩu của Trung Quốc là 30-40%.

"Nếu Mỹ áp thuế vượt 35%, họ sẽ xóa sổ hầu hết lợi nhuận của hàng Trung Quốc. Cho dù mức thuế là 70% hay thậm chí 1.000% cũng không tạo ra nhiều khác biệt, vì về cơ bản đã ngăn Trung Quốc giao dịch trực tiếp với Mỹ", bà phân tích. Do đó, "Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa, họ sẽ không lùi bước", bà nói thêm.

Đồng quan điểm, Alicia Garcia-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cũng không đánh giá cao con số bổ sung 50% của ông Trump. "Thị trường Mỹ về cơ bản đã đóng cửa với hàng hóa Trung Quốc - ít nhất là hàng xuất khẩu trực tiếp từ nước này - nên việc tăng thuế thêm 50% không còn là một mối đe dọa thực sự hiệu quả", bà giải thích.

Thứ ba, Alicia Garcia-Herrero của Natixis cho rằng Tổng thống Trump hành động quyết liệt càng cho thấy ông đang cố gắng tập trung kiềm chế Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ đối tác thương mại nào khác. Và để đảm bảo không ai khác sẽ trả đũa, Mỹ làm hai điều cùng lúc: trừng phạt Trung Quốc nhiều hơn nữa trong khi kêu gọi các nước khác đàm phán để gia hạn thời hạn áp thuế.

Su Yue, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit nói rằng việc bổ sung 50% thuế với Trung Quốc nhưng mở đàm phán với các quốc gia khác về cơ bản là vẫn mở cánh cửa trong chiến lược "Trung Quốc +1". "Vì vậy, vẫn còn nhiều cách cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc giảm thiểu tác động", bà nêu.

Tuy nhiên, để đua sức bền với Mỹ, Trung Quốc sẽ phải hành động nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế nội địa. Theo Economist, cú sốc tiềm tàng này đang được so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–2009, thời điểm Trung Quốc tung ra gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 590 tỷ USD).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tháng trước nói đang chuẩn bị cho "các cú sốc từ bên ngoài lớn hơn dự kiến" và sẵn sàng thực thi chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế. Hôm 8/4, ông tiếp tục khẳng định "có đủ công cụ để ứng phó thuế quan" tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Tuy nhiên, công cụ cụ thể là gì chưa rõ ràng. People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, hôm 6/4 viết rằng các đợt cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Tờ báo cũng cho biết các chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó tìm kiếm đầu ra trong nước và tại các thị trường ngoài Mỹ. Công ty môi giới Soochow Securities đề xuất Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu với phần còn lại của thế giới, đồng thời tăng trợ cấp xuất khẩu.

Khi thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, Trung Quốc đã nhanh chóng hỗ trợ. Trong hai ngày 7 và 8/4, các doanh nghiệp nhà nước đã tham gia mua cổ phiếu. Nhờ can thiệp này, chỉ số CSI 300 tại Thượng Hải tăng 1,7% ngày 8/4.

Sắp tới, bà Su Yue, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi các chính sách tiêu dùng trong nước khi phải đối mặt với thuế quan sớm hơn dự kiến.

"Tôi có cảm giác Trung Quốc đang tiến tới tâm lý 'không còn gì để mất'. Vì vậy, nếu Bắc Kinh thực sự có thể cam kết tái cấu trúc nền kinh tế của mình, đây có thể không phải là điều tồi tệ", chuyên gia này đánh giá.

Bà Su Yue tính toán để duy trì tăng trưởng ở mức khoảng 4,5% - trong khi tính đến rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và các hiệu ứng lan tỏa toàn cầu - Bắc Kinh cần kích thích tài khóa bổ sung lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (273 tỷ USD).

Nhưng một số chuyên gia vẫn lo các gói kích thích sẽ đến rất chậm, mang tính chất đối phó, phân tán và chỉ xuất hiện sau khi kinh tế đã suy giảm rõ rệt. Theo Larry Hu của ngân hàng Macquarie, tình hình sẽ còn tệ hơn trước khi cải thiện.

Vẫn còn một số "đòn đánh" mà Trung Quốc có thể tung ra. Tình hình sắp tới phụ thuộc không nhỏ vào việc ông Tập Cận Bình cân nhắc liệu nền kinh tế Trung Quốc có sẵn sàng "tách rời" (decoupling) khỏi Mỹ không.

Nước này lâu nay vẫn theo đuổi mục tiêu tự chủ về công nghệ nhưng nhìn chung vẫn bác bỏ khái niệm "tách rời". Nhưng hiện quan điểm ủng hộ "tách rời" đang ngày càng tăng. Các nguồn tin của Economist tiết lộ một danh sách các phản ứng tiếp theo mà Bắc Kinh có thể cân nhắc.

Theo đó, Trung Quốc được cho là đang tính đến việc đình chỉ mọi hợp tác với Mỹ trong ngăn chặn fentanyl. Ý tưởng khác là cấm nhập khẩu thịt gia cầm, đậu tương và cao lương Mỹ, những mặt hàng chủ yếu đến từ các bang ủng hộ đảng Cộng hòa.

Nước này cũng có thể áp đặt các hạn chế đối với ngành dịch vụ mà Mỹ vẫn duy trì thặng dư. Điều này bao gồm việc siết chặt hoạt động của các công ty tư vấn và hãng luật Mỹ còn hiện diện tại Trung Quốc.

Họ cũng có thể điều tra các tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ để kết luận theo hướng nó đang mang tính độc quyền và tạo ra lợi nhuận vượt mức. Ngoài ra, thành công của bộ phim hoạt hình "Na Tra 2" tại Trung Quốc và thất bại của "Bạch Tuyết" tại Mỹ là cơ sở để giảm nhập phim Mỹ hoặc thậm chí cấm hoàn toàn.

"Nếu 'chiến đấu đến cùng' đồng nghĩa việc đáp trả mọi đòn thuế mới từ Mỹ, thì ông Tập sẽ phải chấp nhận 'trái đắng' mang tên 'tách rời'", Economist bình luận.

Bộ Tài chính Trung Quốc công bố tăng mức thuế bổ sung từ 34% lên 84% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng quyết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phiên An (The Economist, SCMP, Strait Stimes) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN