Quan chức WHO cảnh báo SARS-Cov-2 có thể nhập đội virus giết người khắp thế giới hằng năm
SARS-Cov-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất và sẽ gia nhập lực lượng virus giết người khắp thế giới hằng năm, TS Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu ngày 13/5.
Mỹ có tổng cộng 1,39 triệu bệnh nhân COVID-19. Ảnh: FT.
“Coronavirus mới có thể trở thành một loại virus gây đại dịch khác trong các cộng đồng của chúng ta và virus này có thể không bao giờ biến mất. HIV chưa bao giờ biến mất”, CNN ngày 13/5 dẫn lời TS Ryan tại một cuộc họp báo.
“Tôi không so sánh hai loại bệnh tật nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là chúng ta phải thực tế. Tôi nghĩ rằng, không ai có thể dự đoán khi nào hoặc liệu bệnh này (COVID-19) sẽ biến mất”, ông nói thêm.
Chúng ta phải mất thời gian phát triển loại vắc-xin có độ đặc hiệu cao, sản xuất hàng loạt, sẵn có cho mọi người và mọi người phải dùng nó thì mới xử lý được COVID-19 và như vậy, COVID-19 vẫn có thể trở thành một vấn đề lâu dài, TS Ryan nhận định.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của WHO, TS Maria Van Kerkhove cho rằng, tương lai không u ám đến thế vì chúng ta đang nắm được quỹ đạo của đại dịch COVID-19.
“Cộng động quốc tế đã đoàn kết, làm việc cùng nhau. Chúng ta đã thấy nhiều nước kiểm soát được virus này. Chúng ta đã thấy nhiều nước áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, bà Kerkhove nói tại buổi họp báo.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng ý với nhận định của bà Kerkhove. “Tất cả chúng ta cần phải góp phần chấm dứt đại dịch này”, ông nói.
Hơn 4,3 triệu người mắc COVID-19, 296.000 ca tử vong
Tính đến sáng 14/5, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 4,34 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó ít nhất 296.690 người đã tử vong, theo dữ liệu tổng hợp mới nhất của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Trong 11 ngày liên tiếp, Nga mỗi ngày ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Như vậy, Nga hiện giờ có nhiều ca mắc thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng nay, Mỹ có tổng cộng 1,39 triệu bệnh nhân COVID-19, Nga có gần 242.300 ca mắc.
Một mô hình tính toán của Mỹ cho thấy, tính đến tháng 8, sẽ có tổng cộng 147.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19, CNN đưa tin ngày 13/5 (giờ Mỹ). Con số tử vong ở Mỹ hiện ở mức 84.059.
Chuyên gia y tế Nhà Trắng, TS Anthony Fauci, cảnh báo rằng, số bệnh nhân COVID-19 và ca tử vong ở Mỹ sẽ tăng cao nếu nước này tái mở cửa nền kinh tế quá nhanh.
Tính đến sáng nay, ở Hàn Quốc có gần 120 bệnh nhân COVID-19 có liên quan ổ dịch tại khu phố ăn chơi Itaewon ở thủ đô Seoul, Korea Herald đưa tin.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 trong 3 lần xét nghiệm khác nhau. Kết quả xét nghiệm mới nhất được công bố chiều qua.
Hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép trẻ em dưới 14 tuổi được ra khỏi nhà, ra phố lần đầu tiên kể từ khi chính phủ thông báo lệnh phong tỏa áp dụng với đối tượng này hồi đầu tháng 4. Trẻ em được ra ngoài nhà trong 4 giờ, từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều (giờ địa phương).
Thủ tướng Bỉ vừa thông báo, một số trường tiểu học và trung học và các bảo tàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày 18/5. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo gia hạn khuyến cáo không thực hiện các chuyến đi không thực sự cần thiết tới bất kỳ nước nào.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro 3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2. Ảnh: AP.
Nguồn: [Link nguồn]
Chứng bệnh lạ được ghi nhận ở nhiều trẻ em ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ý... những quốc gia đang hoặc từng là ổ dịch Covid-19...