Quan chức TQ: Covid-19 là "cú sốc lớn" với kinh tế
Theo Bloomberg, dữ liệu sơ bộ cho thấy, các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt như phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Trung Quốc trên nhiều phương diện.
Ông Sheng Laiyun, Phó giám đốc Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: SCIO
Sheng Laiyun, Phó giám đốc Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, đại dịch Covid-19 là "cú sốc lớn" và tác động mạnh tới nền kinh tế Trung Quốc, nhưng khẳng định đó chỉ là những tác động ngắn hạn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Sheng nói thêm rằng, các tác động của đại dịch sẽ giảm dần cùng với các biện pháp kiểm dịch. "Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt đến điểm phục hồi", ông Sheng trả lời phỏng vấn hãng Tân Hoa xã hôm 12/5.
Theo Tân Hoa xã, nền kinh tế của Trung Quốc khởi đầu ổn định trong quý I năm nay - thời điểm Covid-19 được kiểm soát tốt ở Trung Quốc - với GDP tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng khi dịch bùng phát trở lại vào giữa tháng 3, dữ liệu sơ bộ cho thấy các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt như phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ở nhiều phương diện.
Nhu cầu bị thu hẹp, cú sốc về nguồn cung và mức chi tiêu suy giảm đã đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc kể từ tháng 3. Chuỗi cung ứng rối loạn đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao hơn và tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 4. Hoạt động dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Các khu vực sản xuất chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, theo ước tính từ công ty Nomura Holdings. Trung tâm tài chính Thượng Hải vẫn bị phong tỏa sau 5 tuần. Các ca nhiễm đã giảm xuống nhiều ngày liên tiếp ở Thượng Hải, nhưng Bắc Kinh và các thành phố khác vẫn thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn biến thể Omicron lây lan.
Tuy nhiên, ông Sheng cho rằng, tận dụng các chính sách vĩ mô đa hướng là chìa khóa để giảm các tác động của đại dịch xuống mức tối thiểu và đảm bảo nền kinh tế vận hành trong một phạm vi hợp lý.
Phó giám đốc Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc còn nhấn mạnh đến việc tăng cường các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và phát huy việc đầu tư hiệu quả. "Lịch sử cho thấy, việc mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng là cách hiệu quả nhất và nhanh nhất để thoát khỏi khó khăn kinh tế ngắn hạn", ông Sheng nói và khẳng định tiềm năng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc là rất lớn. Bên cạnh đó, ông Sheng còn đề cập đến một số biện pháp khác, gồm cắt giảm thuế, hoãn đóng góp an sinh xã hội và đưa ra các khoản vay.
"Khi các chính sách phối hợp kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả, tác động của dịch bệnh sẽ giảm dần", ông Sheng nói và trích dẫn các tín hiệu tích cực trong dữ liệu sản xuất và tiêu thụ điện.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc ngày 11-5 chỉ trích bình luận của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với chiến lược "không Covid-19" của nước này.