Quan chức Nhật, Indonesia phát thông điệp phản đối Bắc Kinh
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto nhất trí gửi thông điệp tới thế giới về việc sẽ phản đối các động thái hung hăng của Trung Quốc.
Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto ngày 28-3 đã nhất trí gửi thông điệp tới thế giới rằng hai nước sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trao đổi với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Subianto tại Tokyo, ông Kishi hôm 28-3 cho biết Nhật và Indonesia sẽ thúc giục Trung Quốc kiềm chế, không đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto (trái) và người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi. Ảnh: KYODO
Tại cuộc hội đàm, ông Kishi đã bày tỏ lo ngại về luật hải cảnh của Trung Quốc, vốn cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài được cho là xâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền phi pháp. Vị quan chức cũng nhấn mạnh tình trạng bán quân sự của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là “có vấn đề đối với luật pháp quốc tê”.
Theo ông Kishi, Nhật và Indonesia đã nhất trí về việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tổ chức một cuộc tập trận chung giữa hai nước ở Biển Đông.
Liên quan tình hình Myanmar, ông Kishi cho biết hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ để sớm khôi phục chính quyền dân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.
Các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nhật và Indonesia dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm vào ngày 30-3 tại Tokyo.
Đây sẽ là lần thứ hai Nhật và Indonesia tổ chức hội đàm, được gọi là đối thoại “2+2”, kể từ tháng 12-2015.
Theo tờ Nikkei Asia, Nhật kỳ vọng sẽ ký một thỏa thuận với Indonesia vào ngày 30-3 để dọn đường cho việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên biển.
Theo đó, một thỏa thuận với Indonesia có thể trở thành biểu tượng cho nỗ lực chung giữa Nhật và các quốc gia láng giềng nhằm đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tokyo dự kiến sẽ xem xét xuất khẩu các phần cứng như tàu thủy.
Một trong những mối quan tâm chính liên quan các công nghệ của Nhật là năng lực phát hiện vật thể và cứu hộ, chẳng hạn radar và máy bay cứu hộ.
Vì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất thiết bị quốc phòng, một trong những mục tiêu của Nhật là thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong quá khứ, Nhật đã cấm xuất khẩu tất cả các thiết bị quốc phòng. Năm 2014, Tokyo đã phần nào dỡ bỏ lệnh cấm khi đặt ra ba nguyên tắc: cấm xuất khẩu sang các nước có liên quan các xung đột, cho phép các hoạt động xuất khẩu có đóng góp vào hòa bình và an ninh của Nhật, và yêu cầu cần có sự đồng ý của Tokyo trong việc bán lại khí tài cho bên thứ ba.
Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng là cơ sở pháp lý để đảm bảo rằng quốc gia nhận khí tài thực hiện theo ba nguyên tắc.
Nhật chỉ xuất khẩu khí tài quân sự cho các quốc gia mà nước này đã ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Đến nay, nước này đã ký các thỏa thuận với chín quốc gia, gồm Mỹ và các quốc gia khác chủ yếu ở Châu Âu. Ở Đông Nam Á, Philippines và Malaysia đã ký kết thỏa thuận với Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết nước này đang đàm phán về khả năng mua thiết bị của Nhật phục vụ hiện đại hóa quốc phòng.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 16.3 cảnh báo có thể “áp dụng biện pháp mạnh tay nhưng thực sự hiệu quả” nhằm vào các...