Quan chức Nga xếp hạng các quốc gia không thân thiện
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin công bố danh sách những "quốc gia không thân thiện" được xếp hạng theo số lượng các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Mátxcơva.
Theo thống kê của ông Volodin, đứng đầu danh sách là Mỹ với 1.983 lệnh trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga. Đứng thứ 2 là Canada (1.402 lệnh trừng phạt), Thụy Sĩ (1.361), Anh (1.360), Liên minh châu Âu (1.199), Úc (1.150) và Nhật Bản (902).
"Bằng cách đưa ra những biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nhằm vào Nga, các quốc gia này đã khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt", ông Volodin nhận định. "Họ là nguyên nhân chính dẫn đến những rắc rối hiện tại và những cuộc khủng hoảng trong tương lai trên khắp thế giới".
Nhiều nước phương Tây đã đổ lỗi cho Nga về sự lạm phát mà các quốc gia này đang trải qua. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn đặt ra thuật ngữ "sự tăng giá do ông Putin".
Trên thực tế, giá năng lượng đã đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu trước khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ở thời điểm đó, Mátxcơva nói rằng châu Âu có thể kiềm chế đà tăng giá bằng cách ký các hợp đồng cung ứng dài hạn với Nga. Điện Kremlin cũng gợi ý đưa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 vào hoạt động càng sớm càng tốt để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, dự án này đã bị tạm dừng sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine, và phương Tây cũng tuyên bố sẽ từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về vấn đề năng lượng.
Từ cuối tháng 2, các cường quốc phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Nga, bao gồm cấm nhập khẩu than, đóng băng tài sản của Nga, đóng cửa không phận với máy bay Nga, đưa các doanh nghiệp của Nga vào danh sách đen, và nhiều biện pháp khác.
Tổng cộng Nga đã phải chịu khoảng 10.000 lệnh hạn chế, khiến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Bên cạnh việc cấm máy bay Liên minh châu Âu bay vào không phận của mình, phản ứng của Mátxcơva cho đến nay chủ yếu chỉ giới hạn ở các lệnh trừng phạt đối với một số công ty liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga, và yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” phải thanh toán tiền mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18/5 cho biết các hạn chế đối với thực phẩm và phân bón của Nga phải được dỡ bỏ để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực. Ông cũng kêu gọi Nga cho phép "xuất khẩu ngũ cốc đang lưu trữ trong các cảng của Ukraine".
Nếu không, “hàng chục triệu người sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, dẫn đến suy dinh dưỡng, nạn đói tràn lan... một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm”, ông cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Phương Tây có thể chứng kiến sự tan rã của Ukraine với các chính sách như hiện nay, thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolay Patrushev cảnh báo.