Quan chức Moscow: Mỹ âm thầm tăng nhập khẩu dầu từ Nga
Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Mikhail Popov ngày 3.4 cho biết, Mỹ vẫn âm thầm tăng cường mua dầu từ Nga, dù hối thúc phương Tây và các đối tác thúc đẩy cấm vận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Trong tuần qua, Mỹ đã tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga thêm 43%, ông Popov trả lời phỏng vấn trên báo Nga Komsomolskaya Pravda.
“Mỹ gây sức ép với châu Âu nhằm áp đặt cấm vận kinh tế Nga, trong khi vẫn âm thầm nhập khẩu dầu từ Nga, thậm chí còn tăng mức nhập khẩu lên 43%, lên mức 100.000 thùng/ngày”, ông Popov nói.
“Bên cạnh đó, Washington còn cho phép các công ty nhập khẩu phân bón từ Nga, coi đây là mặt hàng thiết yếu”, ông Popov nói thêm.
Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat. Nga xuất khẩu kali đứng thứ 3 thế giới và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới.
Ông Popov nhấn mạnh, châu Âu không nên ngạc nhiên nếu Mỹ “có thêm những hành động gây bất ngờ” trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.3 đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga, bao gồm dầu mỏ. Tuy nhiên, Mỹ không ngừng nhập khẩu ngay mà đưa ra thời hạn để các công ty hoàn thành giao dịch nhập khẩu dầu từ Nga trước ngày 22.4
Mỹ đã hối thúc châu Âu ngừng phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga, nhưng cho phép các quốc gia châu Âu tùy chọn thời điểm tùy thuộc vào lợi ích quốc gia. Anh đã thông báo ngừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm 2022.
Vài ngày trước, Mỹ cảnh báo Ấn Độ hứng rủi ro nếu mua quá nhiều dầu từ Nga. “Mỹ không phản đối việc Ấn Độ mua dầu của Nga với giá chiết khấu, song số lượng không tăng so với các năm trước", Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên, cho biết.
"Bất cứ điều gì Ấn Độ đang làm cần phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Nếu không, nước này sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn. Miễn là Ấn Độ không mua dầu của Nga với mức tăng đột biến, chúng tôi có thể chấp nhận”, quan chức Mỹ nói thêm.
Quốc gia này gọi việc Moscow yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp là "vô nghĩa".
Nguồn: [Link nguồn]