Quan chức Đức cảnh báo điều Berlin có thể sắp phải đối mặt
Quan chức tình báo Đức cho rằng, nước này có thể sắp phải đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh diện rộng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế khiến người dân chịu nhiều sức ép.
Cảnh sát Đức đụng độ với người biểu tình ở Hamburg năm 2018 (ảnh: RT)
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của kênh ZDF (Đức), ông Stephan Kramer – giám đốc Cơ quan tình báo Đức ở bang Thuringia – thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga khiến kinh tế Đức gián tiếp bị tổn thương.
“Đức cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra những cuộc biểu tình do khủng hoảng năng lượng và bất ổn kinh tế”, ông Stephan Kramer nói.
Theo ông Stephan Kramer, tình trạng thiếu khí đốt, các vấn đề về nguồn cung năng lượng, nguồn cấp nhiên liệu, thất nghiệp, nghèo đói gia tăng ở tầng lớp trung lưu là những thách thức Đức cần rất lưu ý.
“Những kẻ cực đoan có thể kích động các buộc biểu tình. Vài tháng gần đây, một số nhà hoạt động cánh hữu đã cố gắng gây ra bầu không khí bất mãn trên mạng xã hội”, ông Stephan Kramer nói.
Ông Kramer cảnh báo, Đức có thể đối mặt với “biểu tình, bạo loạn hàng loạt” vào mùa thu tới và gọi nguy cơ này là “mùa thu nóng”.
“Chúng ta đang phải đối phó với tâm lý dễ xúc động, hiếu chiến, bi quan trong xã hội. Bên cạnh những người tin tưởng vào chính phủ là một số người bày tỏ sự nghi ngờ”, ông Stephan Kramer nói.
Quan chức tình báo Đức nhấn mạnh, để giải quyết bất ổn trong xã hội, tránh nguy cơ “mùa thu nóng”, Berlin cần kêu gọi sự hợp tác giữa các đảng phái chính trị và quản lý hiệu quả khủng hoảng.
“Yếu tố quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của người dân vào chính quyền”, ông Kramer nói.
Ông Kramer cũng kêu gọi người dân Đức nên “cân nhắc kỹ lưỡng nếu có ý định tham gia biểu tình và tốt hơn hết là tránh xa, để tránh rơi vào bẫy của các thế lực thù địch”.
Phát biểu của ông Kramer được đưa ra trong bối cảnh Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng khi mùa đông tới gần. Hồi tháng 7, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã cắt giảm công suất hoạt động của đường ống khí đốt Nord Stream 1 (dẫn khí đốt từ Nga sang Đức) xuống còn 20%.
Cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt theo đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) có thể chưa đủ để giúp Đức vượt qua mùa đông.
Nguồn: [Link nguồn]