“Quái thú” Cybertruck ở Chechnya phơi bày “lỗ hổng” trong đòn trừng phạt của phương Tây
Do lệnh trừng phạt, Tesla không đưa Cybertruck đến Nga, nhưng điều đó không thể ngăn cản lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov sở hữu siêu xe này.
Ông Ramzan Kadyrov, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã đăng một video trên Telegram vào cuối tuần qua, cho thấy một chiếc xe bán tải Cybertruck của gã khổng lồ xe điện Tesla được ông đích thân lái qua một con phố vắng vẻ với thứ dường như là một khẩu súng máy gắn trên nóc xe.
"Cybertruck sẽ sớm được đưa đến khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Kadyrov nói, ám chỉ đến cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra. Ông Kadyrov tuyên bố Cybertruck là món quà từ ông chủ Tesla, tỷ phú Elon Musk, người mà lãnh đạo Chechnya gọi là "thiên tài lợi hại nhất thời đại chúng ta".
"Chúng tôi... mong đợi những sản phẩm tương lai của các vị sẽ giúp chúng tôi hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Kadyrov viết trên Telegram.
Tỷ phú Musk hôm 19/8 đã kiên quyết phủ nhận trên mạng xã hội X của mình. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn: Nếu video đăng trên Telegram là thật, thì bằng cách nào ông Kadyrov – một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và EU – có thể sở hữu chiếc Cybertruck này?
"Lỗ hổng"
Một số quốc gia nhỏ hơn trong EU đã từng được sử dụng cho hình thức "giao dịch song song", tạo ra "lỗ hổng" khiến các trừng phạt bị né tránh một cách hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể đã cho phép ông Kadyrov đưa Cybertruck về chỗ mình.
Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trang bị súng máy cho xe tải Tesla Cybertruck và tuyên bố "được Elon Musk gửi tặng". Ảnh: NY Post
"Cybertruck nói chung sẽ bị cấm theo luật kiểm soát xuất khẩu vì Tesla là một công ty Mỹ", chuyên gia về vấn đề tuân thủ Stephen Fallon cho biết, ám chỉ đến các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Nga do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
"Tôi nghi ngờ rằng có lẽ chủ sở hữu ban đầu, hoặc nhiều chủ sở hữu ban đầu, đã bán lại chiếc siêu bán tải này cho ông Kadyrov thông qua UAE, Kazakhstan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ", ông Fallon nói.
Chuyên gia luật hải quan Ward Lietaert đồng ý, nói với Business Insider rằng EU đã phải đối mặt với tình trạng trốn tránh lệnh trừng phạt hết sức nghiêm trọng trong vài tháng qua.
"Ví dụ, không có hạn chế xuất khẩu nào ở Kazakhstan", ông Lietaert cho biết. "Khách hàng Kazakhstan sẽ bán hoặc chuyển hàng hóa đó cho khách hàng Nga, thông qua một số điểm dừng chân ở Kazakhstan, và sau đó hàng hóa sẽ đến Nga".
Ông Fallon, người đã làm việc về vấn đề tuân thủ cho nhiều cơ quan chính phủ châu Âu, cũng đoán rằng nhóm của tỷ phú của Musk hẳn phải rất căng thẳng khi cố gắng dập tắt đám cháy mới nhất này.
"Musk rõ ràng không cố ý để điều này xảy ra, nhưng tôi cho là cả một nhóm cố vấn chung và nhóm tuân thủ của Tesla đang đau đầu về vấn đề này", ông Fallon nói.
Tesla đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Business Insider.
Xe bán tải Cybertruck của Tesla. Ảnh: Armormax
Xe bán tải thuần điện Cybertruck đã thu hút sự chú ý của nhiều tài xế với thiết kế lạ mắt, bộ khung ngoài bằng vật liệu thép không gỉ cán nguội Ultra-Hard 30X, thách thức tính thẩm mỹ truyền thống của thị trường xe bán tải với một số tính năng chưa từng thấy trước đây.
Theo Tesla, thân xe Cybertruck đủ chắc chắn để chịu được tác động từ một viên đạn súng lục 9 mm, và xe cũng được trang bị kính chống đạn.
Phiên bản cơ sở có thể di chuyển được quãng đường ước tính là 250 dặm (402 km), trong khi phiên bản AWD và phiên bản "Cyberbeast" có thể di chuyển được quãng đường tương ứng là 340 dặm và 320 dặm (547 km và 515 km).
Phiên bản "quái thú" Cyberbeast hàng đầu của Tesla có thể tăng tốc từ 0 đến 60 dặm/giờ (96 km/h) trong 2,6 giây, vượt trội hơn nhiều mẫu xe thể thao.
"Cơn đau đầu"
Nếu "cơn đau đầu" chỉ vừa mới ập đến với Elon Musk và Tesla, thì đối với EU "cơn đau đầu" này đã trở thành thường trực.
Hãng AFP vào năm 2023 đã đưa tin về những chiếc xe được chuyển tới Nga thông qua Armenia. Điều này càng củng cố thêm cho giả thuyết về việc trốn tránh lệnh trừng phạt thông qua EU.
AFP đã mô tả về cách những chiếc xe được mua tại các cuộc đấu giá trực tuyến ở Mỹ và cuối cùng lại được chuyển đến Nga.
Theo hãng tin Pháp, những chiếc xe "được vận chuyển bằng đường biển đến cảng Poti của Gruzia, được sửa chữa, vận chuyển đến Armenia để làm thủ tục hải quan, sau đó được đưa đến Nga bằng đường bộ qua Gruzia".
Chuyên gia luật hải quan Lietaert cho biết, các quốc gia như Armenia, Kazakhstan, Gruzia (Georgia) và Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị "soi" về hoạt động thương mại song song và tái xuất khẩu, không hoàn toàn là bất hợp pháp nhưng vẫn là một "vùng xám" khiến các lệnh trừng phạt của phương Tây "thủng lỗ chỗ".
Đại sứ quán Armenia tại Washington, D.C., nói với Business Insider rằng họ không đồng ý với thông lệ này. "Chúng tôi muốn tái khẳng định lập trường rõ ràng của Chính phủ Armenia: Armenia không ủng hộ việc lách lệnh trừng phạt".
Để hạn chế vấn đề này, EU đã phê chuẩn luật xuất khẩu vào năm 2023, trong đó có điều khoản "không Nga".
Điều khoản này áp dụng cho các nhà xuất khẩu EU và theo hợp đồng, cấm tái xuất một số lượng hàng hóa hạn chế sang Nga hoặc để sử dụng tại Nga khi bán, cung cấp, chuyển nhượng hoặc xuất khẩu hàng hóa đó sang một quốc gia ngoài EU.
"Ngoài điều khoản này, các lệnh trừng phạt của EU cấm bán xe có giá trị hơn 50.000 Euro cho Nga", chuyên gia chính sách đối ngoại Delaney Simon nói với Business Insider. "Xe Tesla Cybertruck có giá cao hơn thế, vì vậy nếu chiếc xe này đến Nga qua kênh xuất khẩu thì điều đó là vi phạm các quy định của châu Âu".
"Điều chắc chắn rằng nơi nào có lệnh trừng phạt, nơi đó có hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt", ông Simon nói. "Chế độ trừng phạt càng kéo dài, thì càng có nhiều con đường xuất hiện để lách luật".
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi lái thử, lãnh đạo Chechnya tuyên bố chiếc xe mà tỷ phú Elon Musk phát triển xứng đáng với biệt danh "quái thú công nghệ".