Quái thú 218 triệu tuổi đầu đại bàng, mình cá sấu lộ chân tướng
Một loài quái thú được tìm thấy ở bang Texax - Mỹ đã làm các nhà khoa học bối rối hơn 3 thập kỷ.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học William Reyes (Mỹ) từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) xác định quái thú là một loài mới thuộc dòng họ Aetosaur.
Aetosaur là một nhóm thằn lằn chúa bọc thép đã tuyệt chủng, có họ hàng gần với cá sấu, họ hàng xa với chim và khủng long. Tên Aetosaur có nghĩa là "thằn lằn đại bàng", bởi hộp sọ của chúng giống hộp sọ chim đại bàng, theo tờ Newsweek.
Vẻ ngoài của quái thú "thằn lằn đại bàng" Texas khi còn sống - Ảnh đồ họa: SCI-NEWS
Loài mới được đặt tên là Garzapelta muelleri, có chiều dài lên tới 3,5 m và sinh sống ở nơi là bang Texas nước Mỹ vào thời điểm 218 triệu năm về tước, tức giữa kỷ Tam Điệp.
Cũng như các Aetosaur khác, chúng là động vật ăn tạp nhưng chủ yếu là ăn cỏ.
Theo bài công bố trên tạp chí The Anatomical Record, hài cốt hóa thạch của nó đã được khai quật từ năm 1989 tại hệ tầng Cooper Canyon ở hạt Garza bang Texas.
Tuy nhiên, cho đến nay, nó mới được xác định là một loài hoàn toàn mới, sau khi các nhà khoa học chỉ ra một số đặc điểm độc đáo trên bộ giáp mà các loài Aetosaur đã biết chưa từng sở hữu.
Mặc dù vậy, vị trí của loài này trên cây tiến hóa Aetosaur vẫn còn gây tranh cãi.
Con quái thú này cũng có khá nhiều đặc điểm tương đồng với 2 loài Aetosaur khác từng được tìm thấy ở khu vực Eagle Basin thuộc bang Colorado - Mỹ, nhất là cấu trúc vảy xương bên trên, thứ tạo cho chúng một chiếc lưng bọc thép.
Sự xuất hiện của quái thú Texas cho thấy khu vực này từng chứng kiến sự bùng nổ của một nhóm Aetosaur đa dạng.
Vào kỷ Tam Điệp, đó là một phần của siêu lục địa đã tan rã Pangea, một miền đất ẩm ướt và ngoài Aetosaur còn có rất nhiều loài cá sấu cổ đại sinh sống, theo Bảo tàng Cổ sinh vật học thuộc Đại học California (Mỹ).
Nguồn: [Link nguồn]
Trầm tích các hang động ở miền Nam Trung Quốc đã tiết lộ loài linh trưởng to lớn nhất mọi thời đại, là một sinh vật sơ khai thuộc họ Người.