Quá trình Donetsk và Lugansk trở nên thân Nga

Giống như bán đảo Crimea, Donetsk và Lugansk là những khu vực có nhiều người gốc Nga, nói tiếng Nga sinh sống ở Ukraine. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính khiến 2 tỉnh này ngày càng xa rời, thậm chí đối đầu với Kiev như hiện nay.

Bản đồ Donetsk và Luhansk (ảnh: Bloomberg)

Bản đồ Donetsk và Luhansk (ảnh: Bloomberg)

Xung đột bùng lên ở Donbass (bao gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk ly khai) đã kéo dài hơn 8 năm qua và còn tiếp tục. Năm 2014, phe ly khai đã chiếm các tòa nhà hành chính ở Donetsk, Lugansk và tuyên bố độc lập với Ukraine. Từ cuối năm 2014, những cuộc giao tranh liên tiếp giữa quân đội của Kiev và phe ly khai khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng.

Trước khi tuyên bố ly khai, Donetsk và Lugansk là khu vực có nhiều người nói tiếng Nga sinh sống và là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Ukraine (chiếm 16% GDP nước này). 2 tỉnh miền đông với dân số 3,5 triệu người cũng là nơi có trữ lượng khoáng sản than, sắt khổng lồ của Ukraine.

Sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004 và những cuộc biểu tình gây ra bất ổn xã hội ở Ukraine năm 2013 – 2014, Kiev ngày càng bận rộn với các mối lo an ninh và tỏ ra “thờ ơ” với phần lãnh thổ phía đông. Khoảng trống quyền lực to lớn ở Kiev giúp phe ly khai thỏa sức hành động, theo Al Jazeera.

Sau khi phe ly khai ở Donetsk, Lugansk tuyên bố độc lập, Kiev lập tức tỏ thái độ bằng cách phản đối cuộc trưng cầu dân ý và cắt đứt tài chính. Hành động này như “giọt nước tràn ly” khiến người dân ở 2 tỉnh này vốn đã chán nản với Kiev lại càng xích lại gần Nga.

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận Donetsk và Luhansk độc lập (ảnh: CNN)

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận Donetsk và Luhansk độc lập (ảnh: CNN)

Sau sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin năm 2019, người dân ở Donbass được phép xin nhập quốc tịch Nga. Ngày 21.2.2022, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, từ năm 2014, Moscow đã cấp 800.000 hộ chiếu cho cư dân Donbass.

Cuối năm 2021, Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước này với Donetsk và Lugansk. Ngày 21.2, Nga chính thức công nhận các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk độc lập, theo CNN.

“Đây là một trong nhiều ví dụ cho thấy khoảng trống quyền lực có thể gây ra những hậu quả to lớn đối với một quốc gia”, Andreas Heinemann Gruder – chuyên gia về Đông Âu tại Trung Tâm Nghiên cứu Xung đột Bonn (Đức) – nhận xét về tình trạng của Donbass.

Aleksey Kushch – chuyên gia phân tích ở Kiev – cho rằng, việc Donbass ly khai xuất phát chủ yếu do lỗi của giới lãnh đạo Ukraine chứ không phải do Nga kích động.

“Cư dân ở Donbass vốn đã quen với các lợi ích từ thời Liên Xô như được chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí. Tuy nhiên khi Ukraine chìm vào bất ổn và thiếu hỗ trợ tài chính, người dân nơi này cảm thấy bị bỏ rơi bởi chính quyền Kiev”, ông Kushch nhận xét.

Theo ông Kushch, các đảng phái lớn ở Ukraine thích vận động tranh cử ở những thành phố lớn, đông dân ở miền tây hơn là khu vực phía đông. Điều này khiến cư dân ở Donbass cảm thấy bị “xem nhẹ” vào tạo điều kiện cho những đảng phái nhỏ, có tư tưởng thân Nga phát triển.

Từ năm 2004, tỷ lệ đi bầu cử ở Ukraine nhìn chung là khá thấp so với phần còn lại của châu Âu. Nhóm cử tri hăng hái nhất ở Donbass là những người cao tuổi. Họ lớn lên trong thời vàng son của Liên Xô và có nhiều người thân, bạn bè ở Nga, theo DW.

“Các đảng phái ở khu vực của chúng tôi thân Nga. Thành thật mà nói, gần như không có đảng lớn nào của Ukraine muốn vận động ở đây. Chẳng ai đấu tranh cho chúng tôi”, Sergey Vaganov – nhiếp ảnh gia 63 tuổi ở Mariupol – nói với Al Jazeera.

Xe tăng Nga cắm quốc kỳ và cờ của phe ly khai ở Ukraine (ảnh: SCMP)

Xe tăng Nga cắm quốc kỳ và cờ của phe ly khai ở Ukraine (ảnh: SCMP)

Đôi khi, những hành động thiếu chuẩn mực của binh sĩ Ukraine cũng khiến dân ở Donbas “mất lòng”, theo Al Jazeera.

Năm 2014, tại một trong những thời điểm nóng nhất của cuộc xung đột miền đông, lực lượng Ukraine tiến vào làng Georgievka ở ngoại ô thành phố Lugansk và phát hiện trong làng chỉ còn một gia đình. Andrey Lubyanoi – chủ nhà còn sót lại trong làng Georgievka – cho biết, anh và 3 cô con gái không còn chỗ nào để đi.

Tuy nhiên, những người lính Ukraine cáo buộc Andrey Lubyanoi là gián điệp và bắn một phát đạn vào chân anh.

“Không có gì to tát. Chân tôi giờ đã lành”, Andrey Lubyanoi, 44 tuổi, nói.

“Những người lính đó ném một quả lựu đạn vào kho thực phẩm của gia đình chúng tôi. Tất cả thịt, rau củ trở thành đống hỗn độn khiến gia đình tôi bị đói trong mùa đông đó”, Andrey Lubyanoi kể.

Hôm 3.4, Serhiy Haidai – lãnh đạo lực lượng Ukraine ở Lugansk – cáo buộc 4 thị trưởng của Lugansk có hành vi “phản quốc”. Ông Serhiy Haidai cho rằng, 4 quan chức “phản quốc” này đã cung cấp thông tin quân sự và tiết lộ nơi binh sĩ Ukraine đóng quân cho Nga.

Thị trưởng thành phố Rubizhne Serhiy Khortiv – một trong 4 quan chức bị ông Serhiy Haidai cáo buộc – cho biết, mình đã “chán nản” với chính quyền Kiev.

“Các ông là những kẻ cực đoan. Phương Tây và Mỹ đào tạo các ông. Các ông nhảy múa trên đống tiền họ cho và trên máu của chúng tôi”, Al Jazeera dẫn lời chỉ trích Kiev của Thị trưởng Serhiy Khortiv.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết, ông Serhiy Khortiv sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm vì “âm mưu phản quốc”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày xung đột thứ 65: Nga - Ukraine ”ăn miếng trả miếng”

Đối phó với việc Kiev và phương Tây không ngừng viện trợ tới chiến trường Donbass, quân đội Nga đang tập trung hỏa lực nhằm phá hủy các tuyến đường sắt, đường tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN