QH Georgia duyệt dự luật 'đại diện nước ngoài', Nga, Mỹ, EU đồng loạt lên tiếng
Trong khi Nga ủng hộ thì Mỹ và Liên minh châu Âu lo ngại dự luật "đại diện nước ngoài" của Georgia có thể khiến nước này "đi ngược các giá trị dân chủ và rời xa các giá trị của EU".
Ngày 14-5, quốc hội Georgia đã thông qua dự luật “đại diện nước ngoài” với 84 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Quyết định này là nguồn cơn khiến hàng chục ngàn người ở thủ đô Tbilisi biểu tình phản đối.
Theo đài CNN, Thủ tướng Irakli Kobakhidze là người ủng hộ và thúc đẩy dự luật này. Trong khi đó, Tổng thống Salome Zourabichvili không ủng hộ và khẳng định sẽ bác bỏ dự luật.
Lực lượng thực thi pháp luật Georgia và những người biểu tình, gần tòa nhà quốc hội vào ngày 14-5. Ảnh: AFP
Dự luật “đại diện nước ngoài” của Georgia có gì?
Dự luật “đại diện nước ngoài” yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% vốn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký làm “đại diện có ảnh hưởng nước ngoài”, nếu không sẽ phải đối mặt các khoản tiền phạt.
Dự luật này được đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền soạn thảo. Trả lời phỏng vấn đài CNN, Tổng thống Zourabichvili gọi dự luật này là “bản sao chính xác” từ luật của Nga.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Bà Zourabichvili khẳng định sẽ bác bỏ dự luật. Tuy nhiên, theo CNN, điều này không có nhiều ý nghĩa.
Theo đó, bà Zourabichvili có 2 tuần để bác bỏ dự luật, nhưng quốc hội Georgia cũng có thể bác bỏ sự phản đối của bà nếu đa số nghị sĩ đồng ý.
Chính phủ Georgia là một hệ thống nghị viện, nên thủ tướng sẽ nắm đa số quyền lực. Ngoài ra, tại Georgia, người sáng lập đảng Giấc mơ Georgia – cựu Thủ tướng Bidzina Ivanishvili cũng có ảnh hưởng chính trị đáng kể.
Bà Zourabichvili cho biết cuộc bầu cử tại Georgia vào tháng 10 sẽ mang đến cho người dân cơ hội “đảo ngược” dự luật.
“Chúng ta phải tận dụng sự huy động xã hội và sự hợp nhất các đảng phái chính trị để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử đó, vì đó là con đường của châu Âu” – bà nói.
Tại sao dự luật này lại gây tranh cãi?
Dự luật “đại diện nước ngoài” tại Georgia được cho là mô phỏng theo luật tương tự ở Nga. Nhiều người Georgia lo ngại dự luật này một khi thành luật sẽ cho chính phủ quyền đáng kể để tác động các tổ chức phi chính phủ có quan hệ tài chính với nước ngoài.
Trong khi đó, đảng Giấc mơ Georgia cho rằng dự luật này một khi thành luật sẽ thúc đẩy tính minh bạch và chủ quyền quốc gia. Đảng này cũng bác bỏ những chỉ trích từ phương Tây liên quan dự luật.
Sau khi dự luật được quốc hội thông qua, nhiều người biểu tình đã tập trung trước tòa nhà quốc hội Georgia phản đối quyết định này.
Đám đông người biểu tình trước tòa nhà quốc hội đã cố gắng phá bỏ các hàng rào kim loại gần tòa nhà. Ít nhất 13 người đã bị bắt trong vụ việc trên.
Tối 14-5, quy mô các cuộc biểu tình càng lớn hơn. Hàng ngàn người biểu tình tuần hành đến Quảng trường Anh hùng (cách tòa nhà quốc hội khoảng 2 km) và phong tỏa các đường phố dẫn về quảng trường.
Hôm 14-5, nhà lập pháp Archil Talakvadze – thuộc đảng Giấc mơ Georgia – cáo buộc phe đối lập sử dụng các cuộc biểu tình cho mục đích chính trị của riêng họ.
Trong khi đó, nhà lập pháp Ana Tsitlidze – thuộc Phong trào Quốc gia Thống nhất – cho rằng các cuộc biểu tình cho thấy tình đoàn kết của người dân Georgia khi “đấu tranh cho tương lai châu Âu của mình”.
Đồng tình, nhà lập pháp Giorgi Vashadze khẳng định rằng đảng Giấc mơ Georgia “hoàn toàn nằm ngoài hiến pháp, ngoài luật pháp và họ đang phản bội tương lai châu Âu của đất nước chúng ta”.
Lực lượng thực thi pháp luật Georgia khống chế những người biểu tình quá khích vào ngày 13-5. Ảnh: GETTY IMAGES
Các nước phản ứng ra sao?
Về phía Nga, hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng dự luật này nhẹ nhàng hơn nhiều so với luật tại nhiều quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Pháp và Ba Lan, theo hãng thông tấn Tass.
"Ở Georgia hiện nay, tất cả cuộc biểu tình này đã biến Tổng thống Salome Zourabichvili trở thành người đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, mặc dù dự luật rất ôn hòa” – ông Lavrov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho rằng các cuộc biểu tình chống lại dự luật này ở Georgia đang bị những ảnh hưởng “từ bên ngoài” khuấy động.
“Đây hiện là thông lệ của rất nhiều quốc gia. Họ đang làm mọi cách để bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài, khỏi ảnh hưởng của nước ngoài đối với chính trị trong nước. Và các nước đều đang hành động dưới hình thức này hay hình thức khác, nhưng tất cả dự luật này đều có cùng một mục tiêu” – ông Peskov nói.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ “hết sức lo ngại về sự thụt lùi của nền dân chủ ở Georgia”.
“Các nghị sĩ Georgia phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng, là liệu có nên ủng hộ nguyện vọng châu Âu – Đại Tây Dương của người dân Georgia hay thông qua luật đại diện nước ngoài kiểu Điện Kremlin. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Georgia” – ông Sullivan viết trên X (Twitter).
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ “vô cùng lo lắng” trước dự luật “đi ngược lại các giá trị dân chủ và sẽ khiến Georgia ngày càng rời xa các giá trị của Liên minh châu Âu (EU)”.
Bà cũng cho biết nếu dự luật được ban hành thành luật “sẽ buộc chúng tôi phải đánh giá lại một cách cơ bản mối quan hệ của chúng tôi với Georgia”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu James O'Brien đã gặp Thủ tướng Irakli Kobakhidze hôm 14-5. Trả lời các nhà báo, ông cho biết “nếu luật pháp tiến triển không phù hợp với các quy tắc của EU, có sự xói mòn nền dân chủ ở đây và có bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa thì chúng ta sẽ thấy những hạn chế của Mỹ [đối với Georgia]”.
Đầu tháng 5, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết rằng bà đang theo dõi những diễn biến ở George với “mối quan ngại sâu sắc”.
“Georgia đang ở ngã ba đường. Nước này nên tiếp tục đi trên con đường tới châu Âu” – bà nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 14-5 cho biết nếu người dân Georgia “muốn gia nhập EU, họ phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp quyền và các nguyên tắc dân chủ”.
Dự luật "đại diện nước ngoài" có thể ảnh hưởng đến khả năng Georgia gia nhập EU?
Georgia lần đầu tiên nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022 và được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 12-2023. Tuy nhiên, vào tháng 4, EU cho biết việc thông qua dự luật "đại diện nước ngoài" sẽ “tác động tiêu cực” tới con đường của Georgia trở thành thành viên EU”.
“EU kêu gọi Georgia kiềm chế áp dụng luật pháp có thể ảnh hưởng đến con đường đi tới EU – một con đường được đại đa số công dân Georgia ủng hộ” – tuyên bố từ EU nêu.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nghị sĩ Georgia dùng nắm đấm với nhau trong phiên họp quốc hội, khi đảng cầm quyền thúc đẩy dự luật về "đại diện nước ngoài" gây tranh cãi.