Qatar "lột xác" ra sao nhờ tổ chức kỳ World đắt giá nhất lịch sử?
Chi số tiền khổng lồ để tổ chức kỳ World Cup đắt giá nhất thế giới cũng là cách để Qatar đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng ở quốc gia chỉ có chưa đến 3 triệu dân.
Sân vận động Lusail lớn nhất Qatar (chính giữa) sẽ là trung tâm phát triển cho thành phố cùng tên. 12 năm trước, Lusail chỉ là hoang mạc.
Vòng chung kết World Cup 2022 đã bắt đầu khởi tranh từ ngày 20/11. Trong 12 năm, quốc gia vùng Vịnh giàu đã chi hơn 200 tỷ USD để tổ chức sự kiện, góp phần không nhỏ giúp thay đổi bộ mặt đất nước.
Thủ đô Doha, Qatar, biến đổi rõ rệt nhất, bổ sung thêm nhiều sân vận động chuẩn quốc tế. Hàng loạt khách sạn, khu vui chơi và các dịch vụ giải trí cũng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu cổ động viên tới Qatar xem bóng đá.
Bất chấp việc World Cup 2022 tổ chức ở Qatar với nhiều tranh cãi và hoài nghi, FIFA dự tính vẫn sẽ thu lợi nhuận "khủng", vượt mức 5,4 tỷ USD thu về khi tổ chức World Cup 2018 ở Nga.
Toàn bộ 3 triệu vé phục vụ World Cup 2022 đã được bán hết vào tháng 10, FIFA cho biết. Bên cạnh các cổ động viên Qatar, người hâm mộ đến từ Ả Rập Saudi và Các tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mua vé nhiều nhất.
Các cổ động viên Mỹ, Mexico, Anh, Pháp, Argentina, Brazil và Đức xếp sau. Rất ít cổ động viên đến từ Trung Quốc do Bắc Kinh vẫn đang áp đặt quy định phòng dịch Covid-19.
"World Cup tạo bệ phóng giúp đẩy nhanh các sáng kiến mà chính phủ đã đề ra, bao gồm phát triển đô thị và đa dạng hóa kinh tế", Hassan Al Thawadi - Tổng thư ký ủy ban Qatar phụ trách xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022, nói.
Qatar kì vọng có thể thu về 17 tỷ USD nhờ đăng cai World Cup, tương đương 10% GDP của đất nước năm 2021.
Hòn đảo nhân tạo được Qatar xây dựng ở phía bắc thủ đô Doha.
Các nhà tổ chức Qatar nói rằng, đất nước có diện tích hạn chế đăng cai World Cup cũng tạo điểm nhấn. Các sân vận động nằm gần nhau và đều được kết nối từ thủ đô Doha, giúp các cổ động viên có thể xem nhiều trận đấu trong một ngày, thông qua việc di chuyển bằng tàu điện ngầm mới được xây dựng hoặc các tuyến xe buýt điện.
Các tuyến tàu điện ngầm hoàn toàn mới, cảng biển hiện đại và việc sân bay quốc tế Doha được mở rộng là những điểm nhấn đáng chú ý nhất nhờ World Cup 2022. Giới chức Qatar nói rằng, nếu không đăng cai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh, nước này vẫn sẽ phải chi số tiền khổng lồ đầu tư cho mạng lưới cơ sở hạ tầng như vậy.
Qatar đã chi khoảng 45 tỷ USD để xây dựng thành phố Lusail hoàn toàn mới, lấy sân vận động dát vàng cùng tên làm trung tâm. Cách đây 12 năm, Lusail hoàn toàn chỉ là một sa mạc bỏ hoang. Thành phố dự kiến sẽ đón khoảng 200.000 người Qatar tới sinh sống, tạo nền móng cho sự phát triển đầu tiên sau World Cup 2022.
Trước khi giành quyền đăng cai World Cup, Qatar chỉ có duy nhất một sân vận động (thứ hai, phía trên bên trái).
Theo thông tin đăng tải trên trang web của FIFA, Qatar đã xây dựngmạng lưới xe điện, xe buýt và cả xe máy điện để trước mắt phục vụ World Cup và sau này là đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.
Qatar hiện có mạng lưới gồm 4.000 xe buýt, trong đó 700 xe buýt điện, chuyên dùng để chuyên chở cổ động viên qua lại giữa các trạm trung chuyển và sân vận động, với công suất 50.000 hành khách/ngày trong giai đoạn diễn ra World Cup.
"Yếu tố cốt lõi trong kế hoạch của chúng tôi là sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Các cổ động viên cũng có thể thuê xe máy điện, xe đạp để sử dụng. Điều này sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu mang đến một kỳ World Cup bền vững nhất trong lịch sử", Thani Al Zarraa, người phụ trách hoạt động di chuyển của ban tổ chức Qatar, nói.
Mạng lưới phương tiện công cộng và thân thiện với môi trường của Qatar sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới về tính bền vững và đóng góp to lớn cho cộng đồng cư dân địa phương, những người sẽ sử dụng các hệ thống này trong nhiều thế hệ sau.
8 sân vận động được cải tạo và xây mới giúp thay đổi bộ mặt Qatar. Quốc gia vùng Vịnh cũng xây thêm 1.791km đường cao tốc, 2.131km đường giao thông và 200 cây cầu trong giai đoạn năm 2013 - 2022.
“Sự chuyển đổi mà Qatar đang thực hiện sẽ mang lại lợi ích tốt cho người dân sau World Cup, cho dù đó là cung cấp các giải pháp thay thế giao thông bền vững và giá cả phải chăng hay cung cấp các lựa chọn di chuyển khác nhau giúp đất nước giảm lượng khí thải carbon”, ông Al Zarraa nói thêm.
Giáo sư kinh tế Andrew Zimbalist đến từ trường Cao đẳng Smith (Mỹ) nhận định, Qatar đã sẵn sàng đối mặt với những khoản lỗ đến từ World Cup, vì nước này thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới di chuyển phục vụ tầm nhìn dài hạn.
Giới chức Qatar kì vọng, cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước, theo Bloomberg.
Các tuyến tàu điện ngầm được Qatar xây dựng sau 12 năm giành quyền đăng cai World Cup. Qatar đã chi 36 tỷ USD cho dự án này.
Trước mắt, Qatar vẫn sẽ hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu khí đốt tăng vọt đến từ các nước châu Âu. Một Qatar hào nhoáng và hiện đại hơn trong tương lai có thể được so sánh với Dubai, thu hút giới siêu giàu phương Tây, khách du lịch và các doanh nghiệp đầu tư. Sự phát triển của cảng biển và đường sá ở Qatar cũng thúc đẩy sản xuất.
Hàng ngàn phòng khách sạn, nhà ở, chung cư sẽ được tung ra thị trường vào năm 2023, khẳng định rằng ngành công nghiệp xây dựng của Qatar vẫn sẽ không dừng lại sau World Cup.
Thành phố Lusail trước và sau khi được Qatar xây dựng phục vụ tầm nhìn World Cup.
Dân số Qatar đã tăng 14% trong năm qua, tính đến ngày 31/10/2022, lên mức gần 3 triệu người. Giới chức Qatar hi vọng mức độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì, tạo nền tảng vững chắc cho xã hội.
Theo kế hoạch Tầm nhìn Quốc gia 2030, Qatar sẽ vẫn tiếp tục xây dựng công trình quy mô lớn nhằm hiện đại hóa các thành phố và thúc đẩy sự phát triển bền vững, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế trong vài năm tới.
Đối với quốc gia sở hữu nguồn khí đốt dồi dào ở vùng Vịnh như Qatar, bóng đá không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, mà còn là một nhân tố không thể thiếu...
Nguồn: [Link nguồn]