Qatar chống đỡ ra sao nếu Ả Rập Saudi tấn công?
Qatar là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông nhưng đất nước nhỏ bé này chỉ có quân đội khoảng 12.000 người, tương đương với một sư đoàn chính quy và chủ yếu phụ thuộc vào sự bảo trợ của Mỹ và đồng minh.
Binh sĩ quân đội Qatar.
Hồi đầu tuần này, hàng loạt quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Saudi Arabia, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) đã đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar.
Điều này có nghĩa là tuyến đường biên giới trên đất liền duy nhất nối Qatar với Ả Rập Saudi bị phong tỏa. Các quốc gia Ả Rập cũng ngừng các chuyến bay đến Qatar và hối thúc công dân Qatar sớm về nước trong 14 ngày.
Đây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Trung Đông trong hàng thập kỷ qua. Các nhà quan sát vùng Vịnh thậm chí đã nhắc đến kịch bản xung đột quân sự nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Cán cân quân sự chênh lệch
Theo Global Fire Power, Qatar là quốc gia vùng Vịnh giàu có nhờ vị trí địa lý đặc biệt với 3 mặt giáp biển. Ngân sách quốc phòng của Qatar lên tới 1,9 tỷ USD mỗi năm nhưng sức mạnh quân sự lại không hề tương xứng.
Lực lượng vũ trang Qatar có quân số khiêm tốn, vào khoảng 12.000 người và không có quân dự bị.
Lục quân có khoảng 8.500 người, hải quân 1.800 người và không quân 1.500 người. Phương tiện quân sự cũng hết sức nghèo nàn rất khiêm tốn với khoảng 92 xe tăng, 464 khẩu pháo tự hành, 24 lựu pháo kéo xe và 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, cùng khoảng vài trăm xe bọc thép các loại.
Qatar hiện sở hữu 62 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A7.
Năm 2013, Qatar đặt hàng 24 lựu pháo tự hành PzH-2000 và 62 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A7 của Đức để hiện đại hóa lực lượng mặt đất. Năng lực phòng không của Qatar dựa vào 11 hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ, 18 bệ phóng tên lửa Raiper của Anh cùng một số tên lửa phòng không vác vai.
Không quân Qatar rất nghèo nàn về trang thiết bị khi chỉ sở hữu 9 máy bay chiến đấu đúng nghĩa, còn lại là các máy bay vận tải, máy bay huấn luyện và trực thăng. Chiến đấu cơ hiện đại nhất của Qatar là Mirage-2000 đã xuất hiện từ những năm 1970.
Với năng lực quân sự tệ hại nhưng ngân sách quốc phòng ở mức cao, sức mạnh của Qatar được đánh giá xếp thứ 90 trong tổng số 126 quốc gia trong bảng xếp hạng năm 2017.
Ngược lại, quốc gia láng giềng Ả Rập Saudi hiện đang duy trì mức ngân sách quốc phòng khổng lồ lên tới 63,7 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Với mức chi tiêu quốc phòng như vậy, không ngạc nhiên khi Ả Rập Saudi sở hữu 1,142 xe tăng, chủ yếu là xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, 5.472 xe thiết giáp cùng hàng trăm tổ hợp pháo tự hành và lựu pháo.
Không quân Ả Rập Saudi có tới 790 máy bay, bao gồm 177 chiến đấu cơ, chủ yếu là chiếc F-15 mua của Mỹ và chiến đấu cơ Typhoon.
Ả Rập Saudi sở hữu ngàn ngàn xe tăng M1 Abrams mua từ Mỹ.
Ả Rập Saudi còn duy trì lực lượng tên lửa chiến lược (RSSMF) với các tên lửa DF-3A mua của Trung Quốc. Loại tên lửa tầm trung này có thể mang đầu đạn nổ tới hơn 2 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 3.300-4.000km.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, nếu chiến tranh nổ ra giữa hai quốc gia láng giềng vùng Vịnh, Ả Rập Saudi dễ dàng chiếm ưu thế nhờ trang thiết bị vượt trội, thậm chí có thể nắm quyền kiểm soát thủ đô Doha của Qatar trong chưa đầy 24 giờ.
“Chiếc ô” bảo vệ từ Mỹ và đồng minh
Qatar sở hữu lực lượng quân đội khiêm tốn một phần vì quốc gia vùng Vịnh này đã ký Hiệp ước quốc phòng với Mỹ và Anh. Qatar hiện là quốc gia đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Từ những năm 1990, Qatar đã chi khoảng 1 tỷ USD để xây dựng căn cứ này, với sức chứa lên tới 120 máy bay. Căn cứ sự hiện diện của khoảng 11.000 nhân viên quân sự và phi công Mỹ. Qatar luôn tự hào vì Al Udeid có đường băng dài 3,8 km, dài nhất ở vịnh Ba Tư.
Năm 2016, căn cứ này được sử dụng làm nơi triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 oanh tạc các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, tiêm kích F-16, máy bay do thám E-8C, cùng máy bay tiếp dầu cất cánh từ căn cứ này.
Căn cứ Al Udeid là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ và Không đoàn Viễn chinh 379, một trong những đơn vị viễn chinh lớn và đa dạng nhất của Không quân Mỹ. Theo Không quân Mỹ, đơn vị 379 giám sát các hoạt động của Không quân Mỹ tại Afghanistan, Syria, Iraq và 18 quốc gia khác.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3A Ả Rập Saudi mua từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Qatar cũng đã bắt đầu thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng căn cứ quân sự riêng cho đồng minh ở quốc gia này. Năm 2015, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc đến việc đưa 3.000 quân đến đồn trú thường trực ở Qatar, như một động thái khẳng định mối quan hệ đồng minh hai nước.
Ngày 7.6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng thông qua dự luật cho phép đưa quân đội đến Qatar, trong bối cảnh thế giới Ả Rập từng bước cô lập Doha. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ đồng minh, bao gồm cả viện trợ lương thực và nước uống cho Qatar.
Điều mà Ả Rập Saudi lo ngại nhất chính là việc quốc gia Iran mà nước này căm ghét đã công khai sự ủng hộ với Qatar. Nếu như chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, việc Iran can thiệp bảo vệ Qatar cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể nói, nếu như các đồng minh Mỹ, Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa quay lưng, nhóm các quốc gia vùng Vịnh do Ả Rập Saudi dẫn đầu rất khó có thể phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có như Qatar.
Mâu thuẫn giữa hai quốc gia vùng Vịnh đã lên tới đỉnh điểm và có khả năng Ả Rập Saudi cắt quan hệ để sẵn sàng mở...