Putin điều vũ khí hạt nhân đến sát Mỹ
Vũ khí hạt nhân điều động tới vùng biên giới phía đông nước Nga sẽ là “cú đấm thép” trong trường hợp leo thang quân sự bất ngờ xảy ra, tái hiện tình huống thời Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh hạt nhân là điều không ai muốn tuy nhiên cả Mỹ và Nga đều luôn sẵn sàng nếu cuộc chiến xảy ra.
Một đơn vị phòng vệ bờ biển đặc biệt sẽ được thành lập để tăng cường sự kiểm soát của Nga với vùng biển phía đông, trải dài từ Bắc Cực xuống vùng lãnh thổ Primorye phía Nam. Thông tin trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận và đơn vị này sẽ hoạt động từ năm 2018.
Tiền đồn ở khu vực Chukotka sẽ được tăng cường khả năng tác chiến với các lực lượng hạt nhân hải quân chiến lược, ông Shoigu tuyên bố.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc Nga điều động vũ khí hạt nhân tới vùng biển phía đông là động thái chiến lược đe dọa trực tiếp tới Mỹ. Nhà phân tích quân sự Nga Sergei Ishchenko nói rằng đơn vị phòng vệ bờ biển mới là một lực lượng rất đáng gờm và cần phải để mắt.
Trên tờ Svobodnaya Pressa, chuyên gia này viết: “Rõ ràng đây không phải tin tức thông thường như mọi lần. Việc thành lập đơn vị quân đội này cách Mỹ một khoảng rất gần”.
Ông Sergei cho biết ở điểm gần nhất, đơn vị chiến đấu hạt nhân chỉ cách biên giới Mỹ 86 km. Hiện tại chỉ có eo biển Bering là ngăn cách đơn vị này và bang Alaska (Mỹ).
Mỹ hiện đang có nhiều đơn vị đồn trú ở bang Alaska.
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Nga từng điều động rất nhiều tên lửa tới miền đông đủ sức khai hỏa tới bang Alaska và các bang miền bắc nước Mỹ. Tuy nhiên khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền năm 1985, nhiều đơn vị quân sự tại vùng phía đông nước Nga đã buộc rút lui, trong đó có đơn vị hạt nhân tuyệt mật mang tên Object C.
Chuyên gia quân sự Sergei nhận định việc Mỹ điều động quân tới bang Alaska đã vấp phải sự phản kháng ngay lập tức của Putin bằng việc điều vũ khí hạt nhân tới vùng phía đông. Hành động này được xem như đòn đáp trả tương tự trong thời kì Chiến tranh Lạnh leo thang.
Hiện nay, quân đội Mỹ có một số đơn vị quân sự ở Alaska, trong đó có Lữ đoàn Bay chiến đấu số 4 ở Fort Richardson và Lực lượng Bay USARAK ở Fort Wainwright.
Iskander là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi. Tầm bắn ước đạt 480 km.
Chuyên gia Sergei nói: “Nếu Nga đặt hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn cơ động Iskander thì tiêm kích F-22 của Mỹ sẽ không bao giờ có thể đánh chặn máy bay ném bom của Nga”
Trong tháng 9 này, Nga sẽ có cuộc tập trận gây tranh cãi với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu đổ bộ và tàu chiến hạng nặng.
Nhiều chuyên gia quân sự cũng nhận định Putin hoàn toàn có khả năng đánh úp châu Âu “chỉ trong một đêm”.