Putin đã tính kỹ để đánh IS là thắng?
Những người từng dự đoán, Nga sẽ sớm phải rút lực lượng khỏi Syria để tránh sa lầy vào một cuộc chiến tốn kém mà nước này không thể nào gánh nổi đang phải thất vọng. Ông Putin dường như đã tính toán kỹ để có thể đánh IS lâu dài, ít tốn kém mà hiệu quả nhất.
Tổng thống Nga Putin gần đây đưa ra tuyên bố mạnh mẽ báo hiệu, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố ở Syria trong dài hạn.
“Quân đội Nga có thể duy trì hoạt động tại Syria trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng lớn đến ngân sách”, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố trong cuộc họp báo thường niên tại Điện Kremlin với sự tham dự của gần 1.400 phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước ngày 17.12.
Hai ngày sau, cũng tại Điện Kremlin, trong bài phát biểu nhân ngày kỷ niệm của các lực lượng an ninh Nga hôm thứ Bảy (19.12), Tổng thống Putin tuyên bố, quân đội nước này vẫn chưa chưa dốc toàn lực trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria và sẵn sàng triển khai thêm nhiều vũ khí quân sự hơn tới đất nước Trung Đông trong trường hợp cần thiết.
Ông nhấn mạnh rằng, quân đội Nga vẫn còn nhiều nhiều vũ khí quân sự hiện đại chưa được triển khai để tiêu diệt các mục tiêu khủng bố tại Syria.
Tổng thống Nga ngày 19.12 tuyên bố, Nga vẫn chưa dốc toàn lực trong cuộc chiến chống khủng bố IS ở Syria.
“Chúng ta đã thấy các phi công cũng như lực lượng an ninh Nga hoạt động và phối hợp với nhau hiệu quả như thế nào trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đó chưa phải là toàn bộ khả năng của quân đội Nga. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa sử dụng hết tất cả vũ khí mà chúng ta hiện có. Chúng tôi vẫn chưa dốc lực. Chúng tôi còn sở hữu nhiều loại vũ khí tối tân khác nữa. Nếu cần thiết chúng tôi sẽ sử dụng chúng”, Tổng thống Putin khẳng định.
Theo Business Insider, nhiều chuyên gia quân sự tin vào những tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin, chứ không đồng tình với nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, việc Nga sa lầy vào cuộc chiến Syria chỉ là vấn đề thời gian.
"Điện Kremlin nhận thức rất rõ về sự nguy hiểm của việc bị sa lầy tại Syria", Business Insider ngày 20.12 dẫn lời ông Andrei Tsygankov, một giáo sư về nền chính trị Nga tại Đại học bang San Francisco (Mỹ).
Thậm chí, giáo sư Tsygankov còn nhận định rằng, những tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Nga chỉ đóng vai trò củng cố ý định theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đến cùng ngay từ ban đầu của Moscow.
“Điều đó có nghĩa là, những người dự đoán rằng, Nga sẽ sớm rút khỏi Syria sau một hai tháng tham chiến sẽ phải thất vọng”, ông nhấn mạnh.
Dàn chiến đấu cơ Nga triển khai tới Syria chống IS đỗ trên đường băng của căn cứ Hmeimim ở Latakia.
Trong khi đó, ông Andrew Weiss, Phó Chủ tịch chương trình Nga và Âu Á của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế nhận định, những khó khăn mà nền kinh tế Nga đang gặp phải không "ảnh hưởng nhiều" tới chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.
"Do đó, miễn là các lực lượng Nga đảm bảo mức độ thương vong tối thiểu tại Syria, thì Moscow hoàn toàn có khả năng (tài chính) để gánh vác và duy trì chiến dịch quân sự ở đây lâu dài", ông Weiss tuyên bố đồng thời lưu ý thêm rằng, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria của Nga mỗi ngày tiêu tốn khoảng 2,5 triệu USD.
Đồng tình, chuyên gia về Nga và các vấn đề toàn cầu ở Đại học New York cầu Mark Galeotti nhấn mạnh: "Hiện tôi cho rằng, mặt tài chính của chiến dịch rõ ràng là ổn định. Nga ngày nay đang liên tục tăng cường số lượng các cuộc tập trận quy mô (bao gồm cả tận trận bắn đạn thật) và nếu xem xét theo hướng này thì Syria chỉ là phần mở rộng đặc biệt trong chủ trương đó”, ông Galeotti cho hay.
Để củng cố cho lập luận của mình, chuyên gia này nhấn mạnh, miễn là nền kinh tế Nga không đột ngột sụt giảm mạnh, Syria rõ ràng là “chiến trường” hoàn hảo để Không quân và Hải quân Nga luyện tập và tôi luyện các khả năng của họ trong một cuộc xung đột thực sự: "Chiến dịch tại Syria giúp các phi công, các sĩ quan kiểm soát không lưu trên mặt đất, lực lượng hậu cần Nga... trau dồi kinh nghiệm đồng thời giúp kiểm tra khả năng của các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh mới nhất của nước này. Thậm chí, nó còn có thể giúp Nga có thêm các khách hàng vũ khí tiềm năng”.
Một phi công Nga đứng trên buồng lái của chiến đấu cơ SU-25M tại căn cứ không quân Hmeimim của nước này ở Syria.
Chuyên gia quân sự Jeff White tại Viện Washington bình luận, khi Tổng thống Putin quyết định can thiệp vào Syria, ông đã tính toán kỹ về nguồn lực, chi phí cũng như lường trước được những nguy cơ và sẽ không để quân đội Nga sa lầy vào cuộc chiến tại đất nước Trung Đông.
Ông Galeotti thậm chí còn cho rằng, Nga cũng hoàn toàn có khả năng triển khai bộ binh tại Syria.
“Liên Xô đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ tại Afghanistan tại thời điểm lâm vào khủng hoảng kinh tế còn trầm trọng hơn nhiều. Và họ rút khỏi Afghanistan không phải vì cạn tiền, mà vì những lý do chính trị quan trọng khác”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, ông không cho rằng, Nga sẽ thất bại ở Syria và trên thực tế, yếu tố “hạn chế” khả năng của họ là sự yếu kém của quân đội Syria.
“Tôi không dự đoán rằng, người Nga sẽ thất bại ở Syria. Trên thực tế, thách thức thực sự đối với Tổng thống Putin là cho đến nay, chiến dịch trên mặt đất của quân đội Syria không giành được những tiến bộ quan trọng và không giúp tình hình chuyển biến đáng kể”, ông White nhận định.