Putin: Có bằng chứng Thổ Nhĩ Kỳ bắn Su-24 bảo vệ dầu lậu
Ông Putin khẳng định, thông tin tình báo mới đây cho thấy dầu mỏ từ IS được tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ trên phạm vi sản xuất công nghiệp. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ từ chức nếu Nga chứng minh được cáo buộc này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan
Moscow có cơ sở để nghi ngờ chiếc Su-24 bị bắn hạ bởi không quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24.11 vừa qua là nhằm bảo vệ các đường dây vận chuyển dầu bất hợp pháp từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là phát biểu của ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu diễn ra ở Paris (Pháp) ngày 30.11
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thu thập được các tin tức tình báo khẳng định dầu mỏ được tuồn từ IS sang lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ ở phạm vi sản xuất công nghiệp”, ông khẳng định. “Chúng tôi có lí do để tin rằng vụ việc bắn hạ máy bay ném bom Su-24 là nhằm đảm bảo an toàn cho đường dây vận chuyển dầu lậu chở bằng xe bồn”.
Phát biểu ngày hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết ông sẽ từ nhiệm ngay lập tức nếu có bằng chứng Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác ngầm với IS.
“Chúng tôi không phải là kẻ tráo trở đến thế khi mua dầu thô từ khủng bố. Nếu chứng minh được Thổ Nhĩ Kỳ làm như vậy, tôi sẽ từ chức. Nếu có bằng chứng, hãy đưa ra và chúng tôi sẽ điều tra”, hãng tin TASS trích lời ông Erdogan.
Ông Erdogan cũng yêu cầu Nga giải thích việc danh sách đen gần đây của Mỹ có tên công dân Nga Kirsan Ilyumzhinov, Chủ tịch liên đoàn cờ vua thế giới, buộc tội ông này “giúp đỡ và hoạt động dưới danh nghĩa chính quyền Syria”. Ông Erdogan cũng cáo buộc Ilyumzhinov dính dáng tới dầu mỏ lậu của IS.
Bọn khủng bố đã lợi dụng chính sách miễn visa giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để tự do di chuyển, Tổng thống Nga cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không giải quyết được vấn đề nhức nhối này.
“Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền Ankara từ lâu cần phải chú ý đặc biệt vấn nạn này”, đặc biệt là bọn khủng bố hoạt động ở các khu biệt lập ở Nga như bắc Kavkaz, “chạy sang Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói.
Trả lời câu hỏi liệu Moscow có ý định xây dựng một liên minh chống khủng bố hay không, ông Putin khẳng định Nga luôn ủng hộ điều này. “Tuy nhiên, liên minh chống khủng bố sẽ không thể thành công nếu như nước nào đó vẫn dùng các nhóm khủng bố để đạt được mục đích tư lợi của riêng mình”.
Ông Putin cho biết bản thân cảm thấy rất phiền lòng vì mối quan hệ đi xuống với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông giải thích rằng “vấn đề tồn tại từ lâu và chúng tôi đang cố giải quyết bằng đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Putin cũng cho biết Ankara khẳng định Tổng thống Erdogan không phải là người đưa ra quyết định bắn hạ chiếc Su-24. Tuy nhiên, ông Putin nói quan chức nào đưa ra quyết định này “cũng không quan trọng” với Nga.
“Sau khi tội ác thực hiện, hai người lính Nga đã tử nạn – một người là phi công lái máy bay, người kia là lính hải quân trực tiếp tham gia giải cứu chiếc Su-24”, ông Putin nói và khẳng định hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “một sai lầm lớn”.
Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã xuống dốc không phanh sau khi máy bay ném bom chiến lược Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Nga cũng kí quyết định áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm tuần trước. Nội dung cấm vận kinh tế gồm một loạt công ty Thổ Nhĩ Kỳ và cấm nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ quốc gia Tây Á này. Từ năm 2016, cơ chế miễn visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị tạm ngưng.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Erdogan cho biết chính quyền Ankara sẽ hành động “bình tĩnh chứ không cảm tính” trước khi đưa ra bất kì quyết định đáp trả nào. Trong khi đó trước hội nghị, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố Ankara không xin lỗi “vì thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Theo dự kiến ông Putin và Erdogan gặp nhau vào ngày hôm qua (30.11) tại Paris nhưng ông Putin khẳng định không có cuộc gặp gỡ nào diễn ra.