Putin bí mật điều động tên lửa bị cấm, thách thức Trump?
Mới đây, Mỹ phát hiện Nga đặt hai tiểu đoàn tên lửa tầm trung bí mật tại miền trung nước này.
Mỹ khẳng định Putin đã bí mật điều động hệ thống tên lửa bị cấm tới miền trung nước này.
Một số quan chức trong chính quyền Washington khẳng định Nga đã điều động hai tiểu đoàn tên lửa bí mật và không được phép sử dụng theo hiệp ước chung I.N.F. Một tiểu đoàn tên lửa đặt ở Kapustin Yar, miền nam nước Nga gần thành phố Volgograd. Hệ thống còn lại đặt ở một địa điểm khác chưa xác định.
Quan hệ Mỹ-Nga tốt lên từ tháng 12.1987 sau khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kí thỏa thuận kiểm soát vũ khí, thường được biết tới với tên gọi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân Tầm trung (I.N.F).
Dàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga.
Nhờ thỏa thuận này, Nga và Mỹ đã xóa bỏ hơn 2.600 tên lửa trong kho vũ khí của mình. Những tên lửa mà Liên Xô vô hiệu hóa có cả loại tầm trung SS-20 mang được đầu đạn hạt nhân. SS-20 có tầm bắn 5.000 km và là mối đe dọa thực sự với NATO ở thời điểm thập niên 80. Mỹ cũng vô hiệu tên lửa đạn đạo Pershing II và tên lửa đất đối không khác ở miền tây châu Âu.
“Chúng ta hy vọng rằng thỏa thuận lịch sử này không phải là kết thúc mà là mở đầu cho mối quan hệ hai nước. Tôi rất hy vọng Mỹ-Nga sẽ cùng giải quyết các vấn đề quan trọng khác trong thời gian tới”, ông Reagan nói.
Mỹ gọi những quả tên lửa này với số hiệu SSC-X-8. Hệ thống này sẵn sàng khai hỏa bất kì lúc nào nếu tình thế nguy cấp diễn ra. Lầu Năm Góc từ lâu đã bày tỏ quan ngại trước chương trình phát triển tên lửa của Nga. Mỹ dự định đáp trả bằng cách xây dựng thêm lá chắn tên lửa tại châu Âu hoặc phát triển tên lửa hành trình đối không hoặc đối biển.
Động thái của Putin cũng được xem là mang động cơ chính trị, theo Thời báo New York. Thời điểm hiện tại rất khó cho Thượng viện Mỹ thông qua một sắc lệnh kiểm soát vũ khí chiến lược mới trừ khi những vi phạm của Nga chiểu theo hiệp ước tên lửa tầm trung được sửa chữa. Trump nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân”. Đồng thời, ông cũng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Moscow để “cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân”.
Tên lửa Iskander đang được lắp vào bệ phóng.
Việc Nga điều động hệ thống tên lửa bí mật có thể khiến NATO đứng ngồi không yên. Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp các quan chức quốc phòng cấp cao của NATO tại Brussels trong hôm nay (15.2.).
Tác giả Michael Gordon trên tờ Thời báo New York cho rằng việc tìm ra một giải pháp kiểm soát vũ khí chiến lược không hề đơn giản. Mỗi tiểu đoàn tên lửa có khoảng 4 xe phóng và được trang bị 6 quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Bệ phóng di động dành cho tên lửa hành trình khá giống bệ phóng sử dụng cho lá chắn tên lửa tầm ngắn Iskander. Theo hiệp ước kí giữa Nga-Mỹ, tên lửa tầm ngắn được phép sử dụng nhưng Washington lo sợ Moscow sẽ “lách luật”.
“Điều này khiến việc xác định địa điểm tấn công rất khó khăn”, tướng Philip Breedlove, cựu tư lệnh lực lượng NATO, nói. Dù các quan chức cấp cao của chính quyền Trump không tiết lộ tên lửa Nga được đặt ở đâu nhưng tờ Thời báo New York cho rằng chúng được đặt ở miền trung nước này.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov từng ám chỉ rằng nước này sẽ không thể tiếp tục theo đuổi hiệp ước I.N.F do lo ngại an ninh với Trung Quốc. Chính quyền Bush thời điểm đó cũng không dám xóa bỏ hiệp định vì lo ngại Nga sẽ xây dựng lực lượng tên lửa hùng mạnh và nhắm trực diện vào Mỹ.
Tháng 6.2013, Tổng thống Putin từng phàn nàn rằng “tất cả các quốc gia láng giềng với Nga đều có hệ thống tên lửa cùng loại”.
Theo Rose Gottemoeller, quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về kiểm soát vũ khí hạt nhân dưới thời Obama, Nga bắt đầu thử nghiệm tên lửa hành trình từ năm 2008. Sau nhiều năm bất đồng, tháng 11.2016, Mỹ tổ chức cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề tồn đọng. Ngoài Nga còn có sự tham gia của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Kazakhstan và Ukraine.
Dù vậy, Nga khẳng định nước này không vi phạm hiệp ước và đáp trả bằng cáo buộc Mỹ vi phạm. Do thất bại trong việc thuyết phục Nga giải quyết mâu thuẫn về hiệp ước I.N.F, Mỹ quyết định gia tăng áp lực bằng cách tuyên bố kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Âu và điều động tên lửa phòng không.
“Mỹ có những công cụ mạnh mẽ như tên lửa đạn đạo và lá chắn tên lửa. Chúng ta không nên bỏ chúng khỏi bàn đàm phán”, tướng Breedlove phát biểu.
Mỹ thử nghiệm lá chắn tên lửa tại châu Âu.
Franklin Miller, một quan chức lâu năm tại Lầu Năm Góc cho biết Nga coi tên lửa hành trình là biện pháp mở rộng tầm bao phủ ở châu Âu và Trung Quốc. Nếu thực hiện thành công, nước này có thể tập trung nghiên cứu tên lửa nhằm thẳng vào Mỹ.
“Rõ ràng, quân đội Nga nghĩ rằng hệ thống tên lửa hành trình này là rất quan trọng và tới mức có thể phá bỏ hiệp ước I.N.F”, Miller nói. Chuyên gia này gợi ý rằng Mỹ nên củng cố lá chắn tên lửa ở châu Âu và nếu điều động tên lửa thì nên đặt trên biển.