Phương Tây trừng phạt Nga, đồng USD cũng "dính đòn"?
Các lệnh trừng phạt quốc tế của phương Tây nhằm vào Nga bắt đầu làm xói mòn sự thống trị hàng chục năm qua của đồng USD trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ, theo các chuyên gia. Biểu hiện rõ nhất nằm ở các giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ.
Một chuyên gia cho rằng sức mạnh của đồng USD là rất lớn, nhưng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây, ảnh hưởng tới sự thống trị của đồng USD. Ảnh minh họa: Economic Times
Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, còn Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho quốc gia châu Á này sau khi châu Âu "xa lánh" dầu Nga liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Sau khi lệnh áp giá trần dầu Nga của nhóm G7 và EU có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, các khách hàng Ấn Độ đã thanh toán phần lớn dầu Nga bằng các loại tiền tệ khác (không phải đồng USD) như đồng dirham của UAE hay đồng rúp của Nga, theo nhiều nguồn tin từ ngân hàng và dữ liệu giao dịch dầu mỏ.
Các giao dịch trong 3 tháng gần nhất có tổng giá trị tương đương vài trăm triệu USD.
Doanh số bán hàng trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng của Nga sang Ấn Độ và dường như không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một số nguồn tin thương mại cũng như các cựu quan chức kinh tế Nga và Mỹ nói với hãng Reuters rằng 3 ngân hàng Ấn Độ đã hỗ trợ một số giao dịch dầu mỏ khi Moscow đang tìm cách phi đô la hóa nền kinh tế để tránh các lệnh trừng phạt.
Một doanh nghiệp lọc dầu Ấn Độ cho hay, hầu hết ngân hàng Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng các đối tác Ấn Độ và các nhà cung cấp dầu Nga quyết tâm duy trì giao dịch dầu mỏ.
"Các nhà cung cấp dầu Nga sẽ tìm các ngân hàng khác để thực hiện việc thanh toán", nguồn tin nói với hãng Reuters. "Chính phủ không yêu cầu chúng tôi ngừng mua dầu Nga vì vậy chúng tôi hy vọng vào một cơ chế thanh toán thay thế sẽ được áp dụng trong trường hợp hệ thống thanh toán hiện tại bị chặn".
Daniel Ahn, một cựu thành viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, cho rằng sức mạnh của đồng USD là rất lớn, nhưng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây trong khi không đạt được mục đích buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Phương Tây đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các dịch vụ tài chính của chính họ bằng cách tạo thêm một lớp hành chính khác", ông Ahn nói.
Nhóm các nền kinh tế G7, EU và Úc đồng ý mức giá trần với dầu Nga là 60 USD/thùng vào cuối năm ngoái để ngăn Moscow lấy lợi nhuận từ việc bán dầu đổ vào chiến dịch quân sự ở Ukraine.
EU còn đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển. Trước đó, Moscow đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Đáp lại, Nga cho biết sẽ tìm cách thanh toán năng lượng bằng tiền tệ của các nước "thân thiện" và đã yêu cầu các quốc gia EU "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp từ năm ngoái.
Alexandra Prokopenko, một nhà phân tích độc lập và cựu cố vấn tại Ngân hàng Nga, cho rằng: "Nga rất cần giao dịch với phần còn lại của thế giới vì nước này phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Đó là lí do Moscow đang thử mọi lựa chọn có thể. Họ đang làm việc để xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp giữa hệ thống ngân hàng của Nga và Ấn Độ".
Ngân hàng nhà nước Ấn Độ có tài khoản ngoại tệ ở Nga. Trong khi đó, nhiều ngân hàng của Nga đã mở tài khoản với các ngân hàng Ấn Độ để thuận lợi cho việc giao thương.
Bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 3/2022 từng nói các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể làm xói mòn sự thống trị của đồng USD bằng cách khuyến khích các khối thương mại nhỏ sử dụng các loại tiền tệ khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga vẫn đạt mức ổn định trong tháng 2/2023, song song với việc Nga tích cực tìm kiếm các đối tác mới khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng...