Phương Tây tính toán 2 bước đi rắn với Nga liên quan cáo buộc thảm sát ở Bucha
Cáo buộc Nga thảm sát dân thường ở Bucha, phương Tây thông báo trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và đang tính áp thêm trừng phạt mới lên Nga.
Sau khi quân Nga rút khỏi thành phố Bucha, gần thủ đô Kiev, quân Ukraine đã tiến vào thành phố này hôm 31-3 và phát hiện nhiều thi thể mặc quần áo thường dân trên đường phố này. Trước thảm cảnh này, phía Kiev đã cáo buộc quân Nga thảm sát dân thường trong thành phố.
Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba nói đây là cuộc "thảm sát có chủ ý" và cáo buộc Nga "đặt mục tiêu loại bỏ người Ukraine càng nhiều càng tốt”. Còn Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky khẳng định đây là hành động "diệt chủng" nhằm "loại bỏ cả một quốc gia và dân tộc Ukraine”.
Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ cáo buộc này. Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho rằng đây là sự dàn dựng của Ukraine, và những hình ảnh, video xác chết dân thường là giả, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng vội đưa ra kết luận trước khi lắng nghe ý kiến của Nga.
Dù Moscow liên tục phủ nhận cáo buộc này nhưng Mỹ và các nước châu Âu đã có những động thái mạnh đáp trả sự việc ở Bucha mà phương Tây cho là hành động thảm sát của Nga.
Hàng loạt nước châu Âu trục xuất nhà ngoại giao Nga
Theo đài NHK, hôm 4-4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã lên án Nga về hành động thảm sát dân thường ở thành phố Bucha đồng thời thông báo rằng Đức sẽ trục xuất một số lượng đáng kể các nhà ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Nga tại thủ đô Berlin.
Theo đó, 40 nhà ngoại giao Nga bị phía Đức thông báo trục xuất có 5 ngày để rời khỏi nước này.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2, nhiều nước đồng minh của Đức ở châu Âu và Mỹ đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Đức mới có quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga do những hành động “không thể tưởng tượng được của giới lãnh đạo Nga” và “mục tiêu tiêu diệt người Ukraine” ở thành phố Bucha, trang Euractiv đưa tin.
Hôm 4-4, Pháp cũng thông báo sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga như một phần trong hành động chung của châu Âu phản ứng lại việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp viết: “Pháp đã quyết định trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga có hoạt động chống lại lợi ích an ninh của Pháp”, đài France 24 đưa tin.
Cùng ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Lithuania thông báo trục xuất đại sứ Nga tại nước này để đáp trả việc Nga thảm sát dân thường ở Bucha, và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Klaipeda, theo hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Lithuania - ông Gabrielius Landsbergis lên án Nga gây ra “tội ác chiến tranh” và khẳng định nước này sẽ đồng hành cùng Ukraine.
Trong khi đó, Latvia cũng cho biết họ sẽ tiến hành các biện pháp hạn chế liên quan đến quan hệ ngoại giao của mình với Nga nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Ngoại trưởng Latvia - ông Edgar Rinkevics đăng trên Twitter rằng nước này đang xem xét những hành động mà quân Nga gây ra ở Ukraine và sẽ hạn chế quan hệ ngoại giao với Nga. Ông viết: "Các quyết định cụ thể sẽ được thông báo sau khi các thủ tục nội bộ hoàn tất".
Mỹ, châu Âu tích cực thảo luận áp thêm trừng phạt lên Nga
Hôm 4-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục nhắc lại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” đồng thời kêu gọi áp thêm lệnh trừng phạt lên Nga để đáp trả lại hành động tàn bạo của Nga ở Bucha, đài DW đưa tin.
Hiện tại, chính quyền ông Biden đang thảo luận về việc tăng cường trừng phạt Nga về hành động thảm sát dân thường ở Bucha, tờ Washington Post dẫn lời hai nguồn thạo tin cho hay.
Hố chôn tập thể ở Bucha được cho liên quan đến hành động thảm sát của Nga. Ảnh: AP
Hiện chưa rõ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ ra sao nhưng các quan chức cấp cao Mỹ đã thảo luận về các “biện pháp trừng phạt thứ cấp” nhằm vào các nước tiếp tục giao dịch thương mại với Nga.
Theo Washington Post, chính quyền ông Biden cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực mà nền kinh tế Nga chưa bị ảnh hưởng cho đến thời điểm này, bao gồm khai thác mỏ, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác của ngành tài chính Nga.
Về phía châu Âu, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói rằng chính quyền Moscow phải chịu trách nhiệm về hành động tàn bạo ở Bucha, đồng thời cho biết khối đang khẩn trương thảo luận một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow, tờ Guardian đưa tin.
Lãnh đạo các nước châu Âu cũng đồng tình về lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow để đáp trả hành động thảm sát của Nga nhằm vào dân thường ở Bucha.
Cụ thể, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về cái mà ông gọi là “tội ác diệt chủng” do quân Nga gây ra, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh phương Tây áp các biện pháp trừng phạt mạnh hơn lên Nga.
Hôm 4-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng “có bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh” của quân Nga ở Bucha và khẳng định các biện pháp trừng phạt mới lên Nga là điều cần thiết, bao gồm nhằm vào lĩnh vực dầu khí và than của Nga.
Tờ Guardian dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết các lệnh trừng phạt mới áp lên Moscow sẽ được thảo luận trong tuần này. Theo đó, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét gói trừng phạt mới bên lề cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ngày 6, ngày 7 hoặc đầu tuần tới.
Về lệnh trừng phạt mới lên Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã nêu ra ý tưởng chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ngoại trưởng Ý Luigi di Maio khẳng định nước này sẽ không phủ quyết lệnh trừng phạt Nga về lĩnh vực năng lượng, dù Ý cũng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Nhiều quốc gia Châu Âu có động thái trừng phạt ngoại giao nhằm vào Nga, cùng lúc, Moscow tuyên bố sẽ đáp lại tất cả các động thái đó.
Nguồn: [Link nguồn]