Phương Tây mạnh tay hơn với Nga
Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi Nhà Trắng đã phối hợp với các ủy ban tại quốc hội Mỹ để thúc đẩy lệnh cấm này
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6-3 đưa ra thông tin nói trên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu. Theo Kyodo News, Nhật Bản cũng đang thảo luận với Mỹ và các nước châu Âu về khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Cho đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn rất thận trọng đối với các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng Nga. Lý do là các công ty lớn của phương Tây có nhiều thỏa thuận về năng lượng với Nga cùng với việc Nga là nước cung ứng dầu lớn trên thị trường toàn cầu.
Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, khoảng 1/2 trong số đó đến châu Âu. Theo Viện Tài chính Quốc tế, Nga xuất khẩu lượng dầu trị giá hơn 235 tỉ USD trong năm 2021, chiếm 1/2 tổng doanh thu xuất khẩu của Nga. Chính vì vậy, các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu sẽ đe dọa nguồn thu của Moscow bất chấp việc Nga tiếp tục bán dầu cho Trung Quốc và các nước khác.
Ông Christyan Malek, Giám đốc chiến lược năng lượng tại Tập đoàn JPMorgan Chase (Mỹ), cho biết ngay cả khi không có lệnh trừng phạt, việc thiếu người mua cũng có thể buộc Nga phải cắt giảm sản lượng dầu khi các kho dự trữ của họ đã đầy. Một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất bởi các giếng dầu bị đóng cửa khó hoạt động trở lại.
Trạm xăng của công ty năng lượng Nga Lukoil vắng vẻ sau khi chính quyền TP Newark, bang New Jersey - Mỹ bỏ phiếu đình chỉ hoạt động kinh doanh của các trạm xăng Lukoil tại địa phương hôm 3-3 Ảnh: REUTERS
Giới phân tích nhận định việc cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ không tác động nhiều đến giá nhiên liệu ở nước này. Lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của Mỹ giảm xuống còn 13.500 thùng/ngày kể từ đầu năm 2022, theo Công ty Cung cấp thông tin S&P Global Platts (Canada).
Với lục địa già, tình hình không khả quan như vậy bởi châu Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga và lệnh cấm vận dầu và khí đốt Nga có lẽ là bước đi quá xa vời đối với Liên minh châu Âu (EU) - theo ông Emre Peker, Giám đốc thị trường châu Âu của Công ty Tư vấn Eurasia Group (Mỹ).
Trước nguy cơ nguồn dầu thô từ Iran chưa thể trở lại với thị trường toàn cầu trong khi Mỹ và các đồng minh tính chuyện cấm nhập dầu từ Nga, giá dầu đã tăng hơn 10% trong phiên giao dịch hôm 7-3. Giá dầu thô Brent có thời điểm đạt 139,13 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI được giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 7-2008, có lúc tăng lên 130,50 USD/thùng.
Một số nhà phân tích nhận định giá dầu có thể vượt 147,50 USD/thùng, mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7-2008. Thậm chí, theo Reuters, các ngân hàng Mỹ dự báo nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, giá dầu có thể vọt lên 200 USD/thùng.
Đánh giá đầu tiên về tác động do cuộc chiến ở Ukraine, các nhà dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, châu Âu bên bờ vực suy thoái và kinh tế Nga sẽ giảm sâu ở mức 2 con số. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo GDP của Nga sẽ giảm 12,5% do bị các đòn trừng phạt chưa từng có làm đóng băng 630 tỉ USD dự trữ ngoại hối và cô lập nền kinh tế.
Không tránh khỏi ảnh hưởng, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng chậm lại vào khoảng 5,5% trong năm nay. Phản ứng trước những diễn biến mới nhất về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu lẫn Mỹ đều ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch 7-3 (giờ địa phương). Trong khi đó, vàng vẫn là kênh trú ẩn tài sản an toàn, có lúc vượt mốc 2.000 USD/ounce hôm 7-3, mức cao nhất kể từ tháng 8-2020.
Nga răn đe thành viên NATO Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6-3 tuyên bố các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã "bật đèn xanh" cho ý tưởng hỗ trợ chiến đấu cơ để Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Theo hãng tin Nexta, báo The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết trong khuôn khổ của thỏa thuận đang được Washington và Warsaw bàn bạc, Ba Lan có thể bàn giao cho Ukraine máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-25 để đổi lấy F-16 của Mỹ. Tuy nhiên, trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter vào ngày 6-3, Văn phòng Thủ tướng Ba Lan khẳng định đây là "tin giả… bị nhào nặn với phần trích dẫn có từ ngày 27-2-2022". Văn phòng Thủ tướng Ba Lan đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ không điều chiến đấu cơ đến Ukraine và cũng không cho phép sử dụng sân bay của mình làm nơi tá túc cho máy bay quân sự Ukraine. Thay vào đó, Ba Lan tích cực hỗ trợ Ukraine "ở những lĩnh vực khác". Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo các nước không nên cho máy bay quân sự Ukraine tá túc, bởi động thái này có thể kéo họ vào xung đột vũ trang. Theo báo Daily Mail, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định trong một cuộc họp trực tuyến rằng một vài chiến đấu cơ Ukraine đã được tái triển khai đến các nước lân cận, bao gồm thành viên NATO Romania. Thiếu tướng Konashenkov cảnh báo nếu chiến đấu cơ Ukraine tấn công lực lượng Nga từ lãnh thổ của những quốc gia này, họ sẽ bị xem là "tham gia vào xung đột vũ trang Nga - Ukraine". Cũng theo ông Konashenkov, "gần như toàn bộ" chiến đấu cơ sẵn sàng tác chiến của Ukraine đã bị phá hủy. Cao Lực |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối ngày 7.3 đã đăng video ở phủ tổng thống. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24.2, ông Zelensky công khai xuất...
Nguồn: [Link nguồn]