Phương Tây lo TQ lợi dụng COVID-19 tăng quyền lực
Trung Quốc đang tung ra hàng loạt chiến lược quyết liệt để tăng cường vị thế của nước này trong bối cảnh thế giới hỗn loạn vì COVID-19.
Tờ The Guardian ngày 13-4 dẫn lời các cơ quan tình báo Anh kêu gọi chính phủ cần khẩn trương đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc (TQ) sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Chuyên gia Charles Parton thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nhấn mạnh việc cân nhắc lại mối quan hệ với TQ là điều cần lâu nay vì nước này luôn xem phương Tây là đối thủ lâu dài.
Đẩy mạnh ngoại giao bẫy nợ
The Guardian nhận định chiến lược ngoại giao bẫy nợ từng xuất hiện trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường của TQ đang tiếp tục được Bắc Kinh sử dụng trong giai đoạn hiện nay.
Giới chuyên gia và quan chức của một số nước như Mỹ và Úc cũng lên tiếng cảnh báo mối rủi ro từ chính sách ngoại giao bẫy nợ của TQ. Trong báo cáo đầu năm 2020 của hai học giả Sam Parker và Gabrielle Chefitz thuộc ĐH Harvard (Mỹ), khoảng 16 quốc gia hiện là đối tượng của bẫy nợ. Pakistan, Djibouti và Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.
Báo cáo nhận định TQ lợi dụng những nước không thể trả được nợ để “thâu tóm tài sản chiến lược hoặc gây sức ép chính trị” nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cô lập đồng minh của Mỹ và củng cố vị thế ở biển Đông.
Trong tuần này, ông Parke và bà Chefitz tiếp tục cảnh báo chính quyền TQ có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao bẫy nợ đối với các quốc gia đang phát triển. “TQ đang tranh thủ cơ hội này để yêu cầu nước có nguy cơ vỡ nợ phải thanh toán khoản vay bằng tài sản chiến lược hoặc TQ phải xóa nợ để tăng cường quyền lực mềm cho tham vọng lãnh đạo toàn cầu” - bà Chefitz chia sẻ.
Trung Quốc đang lợi dụng COVID-19 để mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới. Ảnh minh họa: REUTERS
Ngoại giao khẩu trang - chiến lược mới của Bắc Kinh
TQ hiện là nước sản xuất khẩu trang y tế lớn nhất thế giới và đã tăng sản lượng lên 10 lần thời gian vừa qua. Cường quốc này cũng là nơi sản xuất một nửa số khẩu trang dành cho các y, bác sĩ toàn cầu.
Những tuyên bố về việc TQ sẵn sàng giúp đỡ cùng với những chuyến hàng và cả các chuyên gia y tế được TQ được cử đến hỗ trợ các nước khác được đưa rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ các nước nghèo, ngoại giao y tế của TQ còn vươn tới các nước phát triển ở châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức...
Các cá nhân, doanh nghiệp TQ cũng tham gia việc xây dựng hình ảnh TQ trong chống dịch COVID-19. Tỉ phú TQ Jack Ma và tập đoàn công nghệ Huawei đã gửi hàng triệu khẩu trang đến khắp mọi nơi, thậm chí đến cả Mỹ và châu Âu giàu có.
Dù vậy, mọi việc không chỉ toàn màu hồng cho Bắc Kinh. Dù chấp nhận TQ giúp đỡ nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng việc TQ giúp khu vực này là đương nhiên vì các nước đã giúp đỡ TQ khi dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán cũng như TQ vốn là nước làm dịch khởi phát.
1.862.254 người nhiễm COVID-19 cùng 114.980 ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới tính đến 18 giờ ngày 13-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước cho hay. Dịch hiện lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân điều trị thành công là 431.666 ca. |
Hình ảnh của những chuyến hàng từ TQ còn bị ảnh hưởng bởi thông tin về sản phẩm kém chất lượng. Đơn cử, Tây Ban Nha mới đây đã trả lại hơn 640.000 bộ xét nghiệm không đạt chuẩn của TQ hoặc việc Hà Lan thu hồi khẩu trang y tế không đủ chuẩn của TQ.
Ngoài ra, trong lúc số người nhiễm ở các nước châu Âu tiếp tục gia tăng lên hàng trăm ngàn bệnh nhân và hàng chục ngàn người thiệt mạng thì con số này ở TQ chỉ là hơn 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong. Điều này cũng khiến giới học giả nghi ngờ về tính chính xác của thống kê TQ.
Chuyên gia Lucrezia Poggetti thuộc Viện Nghiên cứu TQ Mercator (Đức) nhận định chính sách ngoại giao khẩu trang có thể giúp Bắc Kinh đạt được quyền lực mềm trong thời gian ngắn nhưng chiến lược tuyên truyền đại chúng của nước này cũng có thể phản tác dụng nếu đi quá xa.
Còn theo tờ Asia Times, ngoại giao khẩu trang đang đối mặt làn sóng phản đối từ các nước khu vực Đại Tây Dương khi cho rằng Bắc Kinh đang khai thác đại dịch này để “gây bất ổn”, làm suy yếu châu Âu và nâng tầm TQ. Điều này cũng thấy rõ trong cách mà Mỹ đang chỉ trích cách TQ chậm tay đối phó ở thời điểm ban đầu khiến đại dịch bùng phát rồi lan rộng ra toàn thế giới.
Trung Quốc mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp Mỹ Một hoạt động khác cũng rất được TQ đẩy mạnh là lợi dụng tình hình kinh tế thiệt hại vì dịch COVID-19 để tranh thủ thâu tóm các tập đoàn, công ty trọng yếu của nước khác, nhất là các quốc gia đối thủ thông qua các tập đoàn quốc doanh. Ở Mỹ, TQ đang thâu tóm tài sản và các doanh nghiệp Mỹ với mức độ kỷ lục trong tám tháng gần đây, theo tờ The New York Times. Tổng giá trị các thương vụ mua lại giữa TQ và các doanh nghiệp Mỹ trong năm nay tính đến thời điểm này là 7,8 tỉ USD. Đây là số tiền chưa từng có tiền lệ và xấp xỉ toàn bộ giá trị TQ bỏ ra thâu tóm tài sản Mỹ trong cả năm 2007. Hồi ngày 11-4, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh nhân lúc Thủ tướng Boris Johnson nằm bệnh viện để sáp nhập hãng thiết kế chip nổi tiếng Imagination Technologies Group của nước này nhằm đoạt lấy các tài sản sở hữu trí tuệ độc quyền của Anh. Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày cũng phát đi cảnh báo các nước thành viên phải có biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp bị thâu tóm do TQ và đang tìm giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh từ doanh nghiệp được chính phủ nước ngoài hậu thuẫn. |
Giới chức Trung Quốc bắt đầu kiểm tra vấn đề chất lượng của từng lô hàng máy thở, khẩu trang N95 cùng nhiều vật...
Nguồn: [Link nguồn]