Phương Tây không đồng thuận cao trong nỗ lực viện trợ cho Ukraine?

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Đảng Dân chủ đã đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng hòa về hỗ trợ Ukraine được cho là một động thái trấn an đồng minh sau khi gói viện trợ Kiev bị rút khỏi dự luật ngân sách tạm thời. Tuy nhiên, nỗ lực trấn an của Mỹ vẫn chưa đủ để khiến nỗ lực chung tay viện trợ Ukraine của phương Tây khỏi lung lay.

Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/10 (giờ địa phương) tuyên bố Mỹ sẽ không từ bỏ Ukraine bất chấp việc viện trợ bị đưa khỏi dự luật ngân sách tạm thời nhằm tránh việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

“Tôi muốn đảm bảo với các đồng minh, người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng, các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Tôi xin nhắc lại rằng, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà, Thượng viện và Hạ viện đều ủng hộ việc giúp đỡ Ukraine. Hãy dừng trò chơi và bắt tay ngay vào công việc”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, trong bối cảnh chính phủ liên bang Mỹ vừa thoát được nguy cơ đóng cửa vào phút chót.

Các nước phương Tây đưa ra những thông điệp khác nhau về viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Các nước phương Tây đưa ra những thông điệp khác nhau về viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cung cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine và Kiev cũng chuẩn bị nhận các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất thuộc sở hữu của các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng lại là điểm gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán về ngân sách tại Quốc hội Mỹ.

Và để tránh cho chính phủ liên bang phải đóng cửa vào hôm 30/9 vừa qua, các nghị sĩ đảng Cộng hoà và Dân chủ tại cả Hạ viện và Thượng viện đã quyết định từ bỏ việc tăng cường viện trợ cho Ukraine. Dù giúp chính phủ liên bang thoát được nguy cơ đóng cửa vào phút chót, song dự luật lại đặt chính quyền Tổng thống Joe Biden vào tình thế khó xử, thậm chí đe dọa mặt trận thống nhất mà phương Tây vẫn thể hiện đối với cuộc xung đột Ukraine.

Quả thật, bất chấp cam kết của Tổng thống Joe Biden, các đồng minh của Mỹ ở phía bên kìa bờ Đại Tây Dương vẫn không khỏi lo ngại. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell cùng ngày tuyên bố “không đợi quyết định của Mỹ đưa ra để tăng đề xuất hỗ trợ Ukraine”. Quan chức EU nhấn mạnh, Brussels lấy làm tiếc về quyết định của các nhà lập pháp Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng đây chỉ là quyết định mang tính tạm thời của Washington và "Ukraine sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Mỹ”.

Trên mạng xã hội X, ông Borrell nêu rõ: “Ukraine cần nhiều vũ khí hơn và cần chúng nhanh hơn.” Bên cạnh đó, ông Borrell cho hay ông đã thảo luận về "sự hỗ trợ quân sự liên tục của EU" trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov. Quan chức này cũng khẳng định viện trợ quân sự của khối dành cho Kiev là “lâu dài” và không phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia khác hoặc kết quả hoạt động quân sự của Ukraine.

Tuy nhiên, bình luận của quan chức EU lại được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ ở Manchester hôm 1/10 vừa khẳng định “sẽ không có binh sĩ Anh nào được điều đến chiến đấu trong cuộc xung đột hiện tại (tại Ukraine)”. Trong năm qua, Anh đã cung cấp các khóa huấn luyện quân sự kéo dài 5 tuần cho khoảng 20.000 binh sĩ Ukrain. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh và các đồng minh vẫn tránh hiện diện quân sự chính thức ở Ukraine để giảm nguy cơ xung đột trực diện với Nga.

Cùng thời điểm này, một tin không mấy triển vọng đối với Ukraine lại đến từ Slovakia sau khi ông Robert Fico, lãnh đạo đảng Smer-SD theo chủ nghĩa dân túy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Slovakia có đường biên giới phía Đông với Ukraine và cung cấp cho Kiev tiêm kích MiG-29 trong cuộc xung đột hiện nay. Song ông Fico đã cam kết sẽ dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine và chỉ ủng hộ các gói hỗ trợ nhân đạo. Ông cũng phản đối việc trừng phạt Nga.

Những tuyên bố và động thái được các nước phương Tây liên tiếp đưa phần nào phản ánh sự bối rối của các đồng minh trong việc đi tìm một tiếng nói chung, một hành động chung để hỗ trợ Ukraine. Trong diễn biến mới nhất, EU ngày 2/10 xác nhận triệu tập một cuộc họp lịch sử của các Ngoại trưởng thuộc khối này tại Ukraine, nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine và gửi tín hiệu tới Moscow. Thế nhưng trước các hành động hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh những việc này "không thể dẫn tới điều gì khác ngoài ngõ cụt và chiến tranh thế giới thứ 3 đến gần". Bên cạnh đó, CNBC nhận định, mối quan hệ của Ukraine với các đối tác phương Tây sẽ ngày càng trở nên phức tạp và có lẽ không thể tránh khỏi những căng thẳng và khác biệt về quan điểm, vốn nảy sinh khi cuộc xung đột với Nga kéo dài.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine đặt câu hỏi về phương Tây

Quan chức Ukraine nói rằng phương Tây hiện chưa xác định rõ việc xung đột Ukraine sẽ kết thúc như thế nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN