Phương Tây hứng chịu 'cú đòn kép' sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga
Những lệnh trừng phạt chống Nga bị nhận xét đang khiến phương Tây phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí tác động là cực kỳ nghiêm trọng.
Các lệnh trừng phạt chống Nga gây hại cho phương Tây nhiều hơn so với hậu quả Moskva phải gánh chịu. Kết luận như vậy đã được trình bày bởi nhà phân tích Alvaro Vargas Llosa đến từ tạp chí National Interest (NI) của Mỹ.
Bất chấp những lời đảm bảo nhiều lần từ Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác rằng, "những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất trong lịch sử" sẽ làm tê liệt và tiêu hao nền kinh tế Nga, điều này đã không bao giờ xảy ra.
Cán cân thương mại của Liên bang Nga tăng lên mức kỷ lục 70,1 tỷ USD, đồng Ruble cũng cho thấy khả năng phục hồi đáng kể và còn được công nhận là đồng tiền mạnh nhất thế giới sau khi có màn tăng giá trị vô cùng ngoạn mục.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Alvaro Vargas Llosa, mọi thứ đều cho thấy rằng những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga đã không phát huy tác dụng như các nhà lãnh đạo phương Tây mong muốn.
“Bức tranh kinh tế không mấy khả quan được ghi nhận tại các nước áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Nga có lẽ là vấn đề đáng được quan tâm hơn nhiều", chuyên gia phân tích từ ấn phẩm NI nhận định.
Tác giả bài viết trên tạp chí National Interest lưu ý rằng, sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga, phương Tây đã phải đối mặt với một số lượng lớn vấn đề kinh tế với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Điển hình là việc châu Âu đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt và giá nhiên liệu lên cao chưa từng thấy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống của người dân.
Không chỉ có vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ lạm phát trong nước lên mức cao nhất sau 40 năm, gần đây đã phải gặp giữa các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, nhờ cậy hỗ trợ bằng cách tăng sản lượng dầu để giảm giá nhiên liệu.
Nhà Trắng cũng đã sử dụng tới kho dự trữ chiến lược quốc gia để tăng lượng nhiên liệu lưu thông trên thị trường nhằm giảm giá xăng dầu. Kết quả là dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa thập niên 1980.
Như vậy, phương Tây sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga đã phải hứng chịu "cú đánh kép". Nhiều quốc gia đang phải đối diện vấn đề thiếu nhiên liệu, bên cạnh đó chính là chỉ số lạm phát lên mức quá cao.
“Trong khi đó, châu Âu - khu vực nhập khẩu 40% khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm ngoái hiện cũng đang phải đối mặt với 'cú đòn kép' cực kỳ nan giải, do nguồn cung từ Nga suy giảm và lạm phát cao hơn, một phần do giá năng lượng”, nhà phân tích cho biết.
Tình hình là mùa Đông sắp tới có thể trở thành thời kỳ lạnh nhất trong lịch sử đối với người dân châu Âu, do EU có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu của Nga được giao bằng đường biển trong tương lai gần.
Khu vực này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng và mọi thứ dự báo còn trở nên tồi tệ hơn nếu Nga quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho người tiêu dùng châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Nhà phân tích của tờ NI đưa ra kết luận rằng phản ứng kinh tế của phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Quân đội Nga tại Ukraine gây ra nhiều tác hại cho phần còn lại của thế giới hơn là đối với Moskva.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên minh châu Âu (EU) cần một chiến lược mới về xung đột ở Ukraine vì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow không có tác dụng, theo một nhà lãnh đạo thuộc EU.