Phương Tây giáng đòn vào các công ty vũ khí Nga, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc gặp thời?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga bất định khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, trong khi Trung Quốc đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống của Moscow trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang đối mặt một tương lai bất định sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt vào các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của nước này khi họ phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo tờ South China Morning Post, các lệnh trừng phạt của Mỹ và NATO đã ngăn Moscow tiếp cận với công nghệ và nguồn tài chính của phương Tây.

Trung Quốc (TQ), nước đã từ chối lên án hành động của Nga, hiện đang chạy đua với các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Nỗ lực xâm nhập thị trường vũ khí toàn cầu

Theo ông Pieter Wezeman - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga và nhu cầu lấp đầy kho vũ khí sau lượng lớn khí tài bị bị thiệt hại đa gây ra tình cảnh thiếu hụt hiện tại. Theo Oryx, một trang blog do các nhà phân tích quân sự vận hành, Nga đã mất gần 2.900 phương tiện và thiết bị trong cuộc chiến.

Ông Wezeman cho biết các biện pháp trừng phạt tất nhiên sẽ dẫn đến sự khan hiếm tài nguyên, việc không thể tiếp cận công nghệ và linh kiện có thể khiến Nga không thể thực hiện các giao dịch mà họ đã ký kết, khiến các nước hoài nghi về khả năng Nga trở thành đối đáng tác tin cậy của họ.

Chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc sản xuất được Không quân Pakistan sử dụng. Ảnh: REUTERS

Chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc sản xuất được Không quân Pakistan sử dụng. Ảnh: REUTERS

Theo dữ liệu của SIPRI, TQ là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới trong giai đoạn 2017-2021. Pakistan là khách hàng lớn nhất - chiếm 47% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của TQ trong giai đoạn đó, tiếp theo là Bangladesh, Thái Lan và Myanmar.

Ông Cheung Tai-ming - GS tại khoa Chiến lược và Chính sách Toàn cầu, Đại học California (Mỹ) - nhận định quan hệ ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ đã cho phép các nhà sản xuất vũ khí TQ trở nên cạnh tranh hơn ở các nước này.

Ông nói rằng tuy TQ sản xuất nhiều loại thiết bị, nhưng họ vẫn chưa đuổi kịp Mỹ, châu Âu và Nga về chất lượng vũ khí và tiến bộ công nghệ mặc dù đã nỗ lực nhanh chóng cải thiện trong thập kỷ qua.

Ông nói: “Những lĩnh vực mà TQ nổi trội là những thứ như máy bay không người lái, tên lửa, thiết bị đơn giản, ít tiên tiến hơn mà các nước đang phát triển có thể sử dụng và đủ khả năng chi trả”.

Theo ông Cheung, TQ đã thoát ra khỏi vỏ bọc của mình và bắt đầu xâm nhập thị trường vũ khí toàn cầu.

Ông nói: “Điểm mạnh chính của người TQ là chi phí và sự thiếu ràng buộc về chính trị nhưng đây không nhất thiết là những yếu tố quan trọng nhất khi quân đội cân nhắc mua lại vũ khí. Điểm mấu chốt nằm ở chất lượng, độ tin cậy và trình độ công nghệ."

Gặp khó trong việc mở rộng thị trường

GS Wezeman nhấn mạnh ngay cả khi TQ sẵn sàng bán thiết bị cao cấp hơn của mình, chẳng hạn như máy bay phản lực FC-31 thế hệ thứ 5, họ vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường.

Giống như Nga, TQ bị “chặn” ở nhiều lĩnh vực trên thị trường vũ khí toàn cầu vì Washington hoặc các nước châu Âu có thể gây áp lực lên những khách hàng tiềm năng.

Cụ thể, Mỹ đã sử dụng quyền lực mềm của mình, tác động đến một số quốc gia và ngăn họ mua vũ khí của Nga. Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017 trừng phạt các thực thể có liên quan đến các giao dịch lớn với Nga, đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, vì đã mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.

Đối với cách tiếp cận thông qua quyền lực mềm của mình, Mỹ thường đưa ra các lựa chọn thay thế. Indonesia đã từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu Su-35 vào tháng 12 và thay vào đó chọn hàng chục máy bay chiến đấu F-15EX của Mỹ và máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp.

Hồi tháng 3, Mỹ cũng tuyên bố sẽ bán F-15 cho Ai Cập, có thể cho thấy rằng thỏa thuận mua Su-35 của nước này với Nga hồi năm 2018 đã đổ vỡ. Mặc dù chưa có xác nhận chính thức nhưng nhiều người tin rằng các đơn đặt hàng mua vũ khí Nga đã bị hủy bỏ để tránh bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nước châu Âu - ngoài Serbia, nơi được cho là đã nhận lô tên lửa đất đối không FK-3 của TQ vào tuần trước - khó có thể là thị trường tiềm năng đối với TQ. Theo SCMP, Bắc Kinh hiện đang tìm cách mở rộng sang các thị trường như Trung Đông và Trung Á, nơi mà họ cho rằng khả năng thành công rất cao.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia thân thiện với TQ, chẳng hạn như Kazakhstan, cũng đang mua vũ khí của Mỹ hoặc châu Âu, ông Wezeman cho biết. Ông nói thêm rằng thị trường vũ khí toàn cầu là một thị trường rất linh hoạt, nhiều người chơi. Theo đó, chúng ta có thể suy đoán cách các bên cố gắng lắp đầu khoảng trống mà Nga để lại, song rất khó để biết ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Vũ khí Mỹ chuyển tới Ukraine: Nga cảnh báo “hậu quả khó lường”

Nga hồi tuần này chính thức gửi công hàm phản đối việc Mỹ chuyển giao một loạt vũ khí mới cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, cảnh báo “hậu quả khó lường” nếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Khang ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN