Phương Tây đang thuyết phục Ukraine thay đổi chiến thuật trong cuộc xung đột với Nga
Với số vũ khí mới và việc mở rộng huấn luyện cho lực lượng Ukraine, phương Tây hy vọng sẽ thúc đẩy Kiev thay đổi chiến thuật trên chiến trường vào mùa xuân năm nay.
Đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết phương Tây đang thúc giục Kiev chuyển trọng tâm từ thành phố Bakhmut ở miền đông sang ưu tiên cho một cuộc phản công có thể diễn ra ở mặt trận miền nam vào mùa xuân này.
Theo các quan chức trên, mục đích của sự đổi hướng chiến thuật này là để tận dụng lợi thế từ các trang thiết bị quân sự mới trị giá hàng tỉ USD mà phương Tây gần đây cam kết viện trợ cho Ukraine.
Phương Tây đang thuyết phục Ukraine thay đổi chiến thuật. Ảnh: Oleksandr Ratushniak/REUTERS
Vì sao Phương Tây nỗ lực thuyết phục Ukraine?
Trong gần 6 tháng qua, lực lượng Nga và Ukraine đối đầu trực diện với nhau tại chiến tuyến kéo dài 60 km ở TP Bakhmut, thành phố chiến lược nằm giữa tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk, song chưa bên nào giành được thế chủ động. Những trận pháo kích dữ dội diễn ra gần như hàng ngày đã phá hủy hoàn toàn thành phố.
Một quan chức tình báo Mỹ vào tuần trước nhận định cuộc giao tranh tại Bakhmut là một cuộc chiến tàn khốc và ác liệt khi mà cả Moscow và Kiev đều giành giật 100-400 mét đất và bắn hàng nghìn đạn pháo mỗi ngày. Do đó, quan chức này cho rằng Bakhmut đã "trở nên kém hấp dẫn về mặt quân sự".
Giờ đây, với các dự đoán cho rằng mùa xuân tới sẽ là thời điểm giao tranh khốc liệt của cuộc xung đột Nga-Ukraine, các quan chức Mỹ và phương Tây đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch đổi chiến thuật. Trong những tuần gần đây, các quan chức này gợi ý rằng các lực lượng Ukraine nên chấm dứt tổn thất ở TP Bakhmut vì nơi này hiện không còn nhiều ý nghĩa chiến lược và thay vào đó, Kiev cần tập trung cho cuộc phản công ở miền nam.
Các thông điệp nói trên đã được phái đoàn cao cấp của Mỹ truyền đạt tới Ukraine thông qua chuyến thăm nước này vào tuần trước.
Cụ thể, trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, phái đoàn Mỹ gồm ông Jon Finer, Phó Cố vấn an ninh quốc gia, bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao, và ông Colin Kahl,Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề về chính sách, nói rằng Washington muốn giúp Kiev thoát khỏi lối chiến đấu tiêu hao tại Bakhmut. Thay vào đó, Ukraine nên tập trung vào cơ giới hóa cuộc chiến để tiến công nhanh chóng và bất ngờ chống lại Moscow.
Phía Mỹ hy vọng rằng hàng trăm xe bọc thép mà Mỹ và các nước châu Âu đã cung cấp cho Ukraine trong những tuần gần đây, bao gồm 14 xe tăng của Anh, cũng như việc mở rộng huấn luyện lực lượng Ukraine tại Đức sẽ thúc đẩy Kiev chuyển đổi chiến thuật.
Lập trường của Ukraine
Không rõ liệu chính quyền Tổng thống Zelensky có sẵn sàng chấp nhận từ bỏ mặt trận Bakhmut hay không. Tuy nhiên, một số nguồn thân cận nói với CNN rằng ông Zelensky không tin rằng chiến thắng của Nga ở Bakhmut là chuyện đã rồi và do đó ông chưa muốn từ bỏ thành phố chiến lược này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi tháng 12-2022. Ảnh: Jacquelyn Martin/AP
Việc nhà lãnh đạo Ukraine miễn cưỡng từ bỏ Bakhmut xuất phát từ hai lý do. Đầu tiên, ông Zelensky tin rằng giữ lại Bakhmut sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tốt hơn để giành lại toàn bộ vùng Donbass. Nếu Moscow giành chiến thắng tại đây, họ sẽ có cơ hội tiến xa tới các thành phố quan trọng chiến lược ở miền đông là Slovyansk và Kramatorsk.
Thứ hai, Bakhmut cũng là một biểu tượng quan trọng đối với sức kháng cự của lực lượng Ukraine. Ông Zelensky đã tới thăm TP Bakhmut trước chuyến thăm Mỹ hồi tháng 12-2022. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine đã khẳng định: “Cuộc giao tranh ở Bakhmut sẽ thay đổi câu chuyện bi thảm về cuộc chiến giành độc lập và tự do của chúng tôi”.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ cũng bày tỏ hoài nghi Ukraine sẽ từ bỏ Bakhmut không phải vì giá trị chiến trường mà vì giá trị thông điệp chiến lược của TP này mang lại rất quan trọng. Ngoài ra, trận chiến tại Bakhmut sẽ giúp Ukraine làm tiêu hao sinh lực của lực lượng Nga.
Tính toán của Nga
Việc phương Tây thúc đẩy Ukraine thay đổi chiến thuật diễn ra vào thời điểm nhiều chỉ dấu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, các quan chức thân cận với thông tin tình báo nói với CNN.
Phương Tây cho biết Nga đang cân nhắc tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Andrei Rubtsov/TASS
Theo một số nguồn tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã tới Ukraine vào đầu tháng 1 nhằm chuyển cho Tổng thống Zelensky những đánh giá của Washington về kế hoạch sắp tới của Nga. Các nguồn tin cũng cho biết có những dấu hiệu cho thấy ông Putin có thể đang cân nhắc một đợt huy động quân khác lên tới 200.000 quân nhân. Tuy nhiên, phía Nga nhiều lần bác bỏ thông tin nước này chuẩn bị một lệnh động viên khác.
Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov làm tổng chỉ huy phụ trách chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một dấu hiệu rõ ràng hơn đối với các quan chức phương Tây về một cuộc tấn công mới của Nga.
Dù vậy, Mỹ và các đồng minh vẫn hoài nghi về khả năng Moscow phát động một cuộc tiến công quy mô dựa trên đánh giá về khả năng huy động, nhân lực, huấn luyện và trang bị quân sự của Nga hiện tại.
Trong khi đó, giới chức phương Tây cho rằng Moscow có thể tiếp tục tập trung vào việc giành lấy thêm lãnh thổ ở tỉnh Zaporizhzhia và vùng Donbass với Bakhmut được xem là bàn đạp tiềm năng. Các quan chức cũng nhận định Nga có ý định giữ hành lang đường bộ từ vùng Rostov của nước này đến bán đảo Crimea cũng như cần tiếp tục kiểm soát các khu vực miền nam Ukraine.
Chính vì thế, Bộ Quốc phòng Anh hồi đầu tháng này nhận định một bước đột phá lớn của Ukraine ở Zaporizhzhia sẽ thách thức nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của hành lang đường bộ trên của Nga.
Tuyên bố của Paris được đưa ra sau phát biểu gây tranh cãi của Ngoại trưởng Đức.
Nguồn: [Link nguồn]