Phương Tây chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc khủng hoảng hạt nhân
Các nước phương Tây được cho là đang lên kế hoạch thận trọng nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trong nước nếu một cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra.
Chính phủ các nước phương Tây đang “lên kế hoạch thận trọng” ở hậu trường nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn và hoang mang trong nước trong trường hợp Nga cho phát nổ một quả bom hạt nhân tại Ukraine hoặc gần nước này, theo tờ The Guardian.
Mặc dù một cuộc khủng hoảng hạt nhân được cho là rất khó xảy ra, nhưng một số người trong cuộc cho biết các quan chức trên khắp thế giới đang tiến hành kiểm tra lại những kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cũng như trấn an người dân trước nỗi lo sợ về nguy cơ leo thang hạt nhân.
Các dấu hiệu về ý tưởng trên xuất hiện trong một cuộc họp báo của một quan chức châu Âu vào ngày 14-10 vừa qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Cụ thể, khi được hỏi liệu có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng mua sắm hoảng loạn hoặc người dân đổ xô di tản ra khỏi các thành phố vì sợ tình hình leo thang sau khi một biến cố hạt nhân xảy ra, vị quan chức giấu tên trên nói rằng chính phủ các nước đang "lên kế hoạch thận trọng cho một loạt tình huống có thể xảy ra" mặc dù giới chức những nước này nhấn mạnh bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong cuộc xung đột đều là điều đáng ghê tởm.
Thông tin trên làm liên tưởng tới thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi các quốc gia ra sức tuyên truyền và thậm chí tổ chức các cuộc diễn tập về cách tồn tại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, điển hình là chiến dịch “Cúi xuống và che đầu” ở Mỹ vào những năm 1950, “Bảo vệ và sống sót” ở Anh vào cuối những năm 1970 và “Mọi người có một cơ hội” ở Tây Đức vào đầu những năm 1960.
Những chiến dịch trên từng là tâm điểm của những lời chỉ trích và chế nhạo khi cho rằng con người có thể tồn tại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Trong khi đó, trọng tâm chính của kế hoạch lần này là nhằm ngăn chặn sự hoảng loạn của công chúng vì lo sợ về một sự leo thang hạt nhân không kiểm soát.
Bà Kate Hudson - Tổng thư ký tổ chức Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND), cho biết: “Kế hoạch thận trọng lần này gần giống như chiến dịch Bảo vệ và sống sót của chính phủ Anh thời kỳ Chiến tranh Lạnh. CND đã từng lên án gay gắt chiến dịch đó vì tạo ra những ấn tượng sai lầm rằng một cuộc tấn công hạt nhân có thể tồn tại bằng cách quét vôi trắng cửa sổ và các hành động không liên quan khác”.
Mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân đã gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Nga chịu những tổn thất trên chiến trường Ukraine. Vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ sử dụng "mọi phương tiện có sẵn” để bảo vệ sự toàn vẹn nước Nga.
Quan chức phương Tây nói trên cho rằng tuyên bố của ông Putin là "sự đe dọa gián tiếp” về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, các lãnh đạo phương Tây đều đưa ra cảnh báo về "những hậu quả khôn lường” nếu Nga tấn công Kiev bằng vũ khí hạt nhân.
Giới lãnh đạo phương Tây thường không muốn giải thích cách họ sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công hạt nhân để có thể duy trì sự mơ hồ có chủ đích. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 14-10 đã phá vỡ truyền thống khi lên tiếng nói rằng Pháp sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Nga sử dụng chúng tại Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan hôm 11-10 có chuyến thăm đáng chú ý đến Nga không lâu sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu...