Phương Tây bàn về chuyến thăm Nga của lãnh đạo Triều Tiên
Phương Tây theo dõi chuyến công du của ông Kim Jong-un với nỗi lo ngại về khả năng Triều Tiên và Nga hợp tác sâu hơn về quốc phòng.
Từ ngày 12-9 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu chuyến công du tới Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài của nhà lãnh đạo này kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters. Giới quan sát cho rằng động thái của ông Kim là dấu hiệu quan hệ Nga - Triều Tiên đang chuẩn bị có nhiều biến chuyển lớn.
Ông Kim thăm cơ sở vũ trụ của Nga
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết ông Kim sau khi tới Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón và hai nhà lãnh đạo đã tham quan quá trình lắp đặt và thử nghiệm phương tiện phóng của tổ hợp tên lửa tại cơ sở phóng tàu vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) thăm cơ sở phóng tàu vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Amur của Nga ngày 13-9. Ảnh: REUTERS
Tại đây, ông Kim cho biết Nga hiện đang là cường quốc vũ trụ và Triều Tiên có mong muốn được Nga hỗ trợ về vấn đề này, nhất là trong kỹ thuật phát triển tên lửa và thám hiểm vũ trụ. Tổng thống Putin cũng xác nhận điều này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói thêm rằng Moscow nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Bình Nhưỡng trong “cuộc chiến thiêng liêng” mà Moscow đang tiến hành “chống lại các thế lực đế quốc”. “Chúng tôi luôn ủng hộ các quyết định của Tổng thống Putin và lãnh đạo Nga. Hai nước sẽ sát cánh cùng nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc” - ông Kim khẳng định.
Khi được báo giới hỏi việc liệu hợp tác quân sự có nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm của ông Kim lần này hay không, ông Putin cho biết: “Chúng tôi sẽ nói về tất cả vấn đề. Không có gì phải vội vàng cả. Vẫn còn thời gian” - theo hãng tin Sputnik.
Sau khi tham quan, hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm kín. Không rõ các nội dung gì đã được trao đổi, song phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay ông Putin và ông Kim không có kế hoạch ký kết các văn bản thỏa thuận cụ thể nào nhưng có thể sẽ bàn về một số hoạt động hợp tác quân sự.
Giới chuyên gia nói gì?
Theo đài CNN, các nhà quan sát phương Tây bày tỏ lo ngại Nga có thể sẽ hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi chọn cơ sở Vostochny làm nơi gặp mặt hai bên.
Tờ The Japan Times dẫn lời GS Theodore Postol, thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) chỉ ra tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 mới được công bố của Triều Tiên là tên lửa đầu tiên sử dụng nhiên liệu tên lửa rắn.
“Sự xuất hiện đột ngột của công nghệ tiên tiến này rất khó giải thích nếu không có sự hợp tác từ chính phủ Nga và các nhà khoa học của họ” - ông Postol cho hay đồng thời cho biết những điểm tương đồng về hình ảnh cho thấy Nga có thể đã quyết định chuyển giao “một tên lửa Topol-M - loại ICBM nặng 50 tấn dùng nhiên liệu rắn” sang Triều Tiên để Bình Nhưỡng nghiên cứu.
Trong ngày 13-9, quân đội Hàn Quốc và lực lượng phòng thủ Nhật Bản đều xác nhận Triều Tiên đã phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo rơi xuống gần vùng biển của Nhật Bản. Cơ quan chức năng hai bên đang tiến hành điều tra.
Theo The Japan Times
Ở một góc nhìn khác, cựu nhân viên tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Rebekah Koffler chia sẻ với đài Fox News rằng việc quan hệ Nga - Triều Tiên được siết chặt sẽ là một bài toán chiến lược lớn cho Mỹ và đồng minh. Ông cho rằng cuộc gặp lần này là một “lời thách thức rõ ràng” gửi tới phương Tây.
“Hai đối thủ hàng đầu của Mỹ và phương Tây đang hợp tác, mở rộng hợp tác quân sự. Nga đang sở hữu công nghệ hiện đại hàng đầu về công nghệ vũ trụ và vũ khí hạt nhân. Nếu Nga quyết định chia sẻ các công nghệ này cho Triều Tiên thì Mỹ sẽ gặp bất lợi, chưa kể hai nước này cũng có mối quan hệ rất gắn bó với Trung Quốc” - ông Koffler nói.
Chuyên gia này cho rằng hợp tác Nga - Triều Tiên ở bối cảnh hiện tại nhiều khả năng sẽ là Triều Tiên hỗ trợ đạn dược cho Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow đang triển khai ở Ukraine, đổi lại Nga sẽ hỗ trợ thực phẩm, công nghệ và năng lượng cho Triều Tiên.
Hồi ngày 11-9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson khẳng định các cuộc đàm phán vũ khí giữa Triều Tiên và Nga đang “phát triển tích cực” và những thảo luận tiếp theo có thể tập trung vào nỗ lực tìm nguồn cung vũ khí mới của Nga nhằm củng cố lực lượng ở Ukraine. Mỹ kêu gọi Triều Tiên hành động theo cộng đồng quốc tế và không hỗ trợ vũ khí cho Nga.
Triều Tiên nỗ lực cân bằng Nga, Trung Quốc Theo GS John Delury, thuộc ĐH Yonsei (Hàn Quốc), việc ông Kim thăm Nga lần này có thể xem là một nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm cân bằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc (TQ). Dù hai quốc gia này đều có quan hệ rất tốt với Triều Tiên, song giữa ba nước vẫn tồn tại một số khác biệt nhất định do yếu tố lịch sử và địa . Do đó, việc giữ quan hệ với Nga và TQ cân bằng hoàn toàn nằm trong lợi ích của Triều Tiên. Bên cạnh đó, đối với Moscow, việc kéo Bình Nhưỡng ra khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ giúp Nga có thêm lợi thế trong cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với TQ. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa Nga và TQ, xét ở một mức độ nào đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho Triều Tiên. Triều Tiên có thể tận dụng sự cạnh tranh này để nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa về chính trị, và quân sự từ cả hai quốc gia này. Bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung nào mà Triều Tiên nhận được từ TQ hay Nga sẽ giúp Bình Nhưỡng có thêm nhiều lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Amur của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]