Phương Tây áp trần giá dầu Nga, một nước châu Á tuyên bố tiếp tục mua
Quốc gia này tuyên bố sẽ ưu tiên nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước và tiếp tục mua dầu từ Nga, bất chấp lệnh cấm từ EU và G7.
Một tàu chở dầu cập cảng tại Đức (ảnh CNN)
Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 5/12, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, New Delhi sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga và hy vọng phương Tây sẽ không gây áp lực.
“Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga nhiều hơn Ấn Độ. Nguồn tài nguyên năng lượng là hữu hạn. Châu Âu không nên quan tâm đến nhu cầu năng lượng của mình trong khi yêu cầu Ấn Độ phải làm khác đi”, ông Jaishankar phát biểu.
“Các nước châu Âu hiểu rõ lập trường của Ấn Độ đối với dầu mỏ của Nga. Tôi mong rằng truyền thông châu Âu cũng hiểu điều đó”, ông Jaishankar nói thêm.
Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Đức Baerbock kéo dài 2 ngày. Trong cuộc gặp hôm 5/12, bà Baerbock và Ngoại trưởng Ấn Độ đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm hợp tác song phương, xung đột ở Ukraine, Trung Quốc, Pakistan và chống khủng bố.
Về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho biết, quan điểm của nước này là kêu gọi các bên chấm dứt xung đột và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại.
Hôm 5/12, lệnh áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng của EU và G7 bắt đầu có hiệu lực. Phương Tây hy vọng 2 khách hàng lớn của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia thực thi lệnh này. Tuy nhiên, đến nay Ấn Độ vẫn không tuyên bố sẽ mua dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/12 thông báo, nước này sẽ tiếp tục hợp tác về lĩnh vực năng lượng với Nga. Theo Reuters, trên nguyên tắc cùng có lợi, Trung Quốc đang tăng cường mua dầu Nga trong năm nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ không chấp nhận mức trần đối với giá dầu mà phương Tây áp đặt.
“Đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ mức giá trần nào”, ông Peskov nói, cho biết thêm rằng Nga đang chuẩn bị phản ứng với động thái từ phương Tây.
Theo ông Peskov, quyết định áp trần giá dầu Nga của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Nền kinh tế Nga có đủ tiềm lực cần thiết để đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Biện pháp đó sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch, nhưng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường năng lượng”, ông Peskov nói.
Nguồn: [Link nguồn]
EU, G7 hôm 2/12 đã quyết định áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng, nhưng Moscow được cho là có những động thái đối phó từ trước.